Những ý kiến khách quan đánh giá, chia sẻ khó khăn của ngành dầu khí

Hằng năm, PVN nộp ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng 9 - 11% tổng thu ngân sách chung và chiếm 16,5 - 17% tổng thu ngân sách Trung ương và đóng góp cho GDP cả nước trung bình 10 - 13%/năm.
Nhà mát lọc hóa dầu Nghi Sơn. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong bối cảnh thị trường dầu khí thế giới có nhiều biến động thì những khó khăn, thách thức mà ngành dầu khí đã và đang đối diện cũng được nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế chia sẻ một cách khách quan và thẳng thắn.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nói một cách công bằng, trong giai đoạn đất nước đang gặp khó khăn, ngành Dầu khí ra đời, phát triển đã đóng góp rất to lớn vào sự nghiệp xây dựng đất nước cũng như bảo vệ Tổ quốc.

Cụ thể, những lợi tức của ngành dầu khí mang lại cho ngân sách đã giúp cho đất nước những năm 80, 90 của thế kỷ trước, đặc biệt là giai đoạn 2006 - 2015, vượt qua rất nhiều các cuộc khủng hoảng.

“Ngành dầu khí đi lên từ con số 0, với bao cố gắng đã có được 'cơ ngơi' đồ sộ như ngày nay. Không chỉ đóng góp to lớn cho ngân sách Nhà nước, ngành dầu khí còn giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đóng góp cho an sinh xã hội, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc,” Phó trưởng ban Dân nguyện nói.

[PVN đã góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách Nhà nước]

Đại biểu này cũng ủng hộ việc đánh giá một cách chân thực, công bằng về những rủi ro thực tế của ngành dầu khí, đồng thời cho rằng, những người đi làm dầu khí luôn sẵn sàng đối đầu với rủi ro, thậm chí đánh đổi cả tính mạng.

“Tôi cho rằng, nhân dân và cử tri cả nước sẵn sàng chấp nhận thiệt hại kinh tế do rủi ro, mạo hiểm trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí bởi tính đặc thù của ngành chứ không chấp nhận những tổn thất do tiêu cực của cá nhân, hay nhóm lợi ích nào gây ra,” đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói thêm.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội. (Ảnh: pvn.vn)

Còn theo ông Đặng Xuân Phương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, trong 30 năm qua, ngành dầu khí luôn là một trong những trụ cột lớn về kinh tế biển của đất nước, bên cạnh các ngành truyền thống như thủy sản, hàng hải, gần đây là du lịch biển.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngành dầu khí gặp những thách thức to lớn trong sản xuất kinh doanh, sản lượng khai thác có nguy cơ sụt giảm và tỷ trọng đóng góp cho ngân sách Nhà nước thời gian gần đây cũng giảm.

Ông Phương thẳng thắn cho rằng, những khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành dầu khí trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian sắp tới, trong bối cảnh chung của thế giới, là hết sức khách quan.

“Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là việc Mỹ ứng dụng công nghệ để sản xuất dầu đá phiến làm giảm chi phí sản xuất dầu khí rất nhiều... Do đó, sự ảnh hưởng của tình hình thế giới đến hoạt động ngành dầu khí nước ta cũng là bình thường,” Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội nêu ý kiến.

Chia sẻ những đóng góp của ngành Dầu khí trong những năm qua, theo ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ngành dầu khí Việt Nam hiện đã phát triển khá hoàn chỉnh, toàn diện và thực hiện đầu tư kinh doanh theo chuỗi giá trị, bao gồm thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn.

Trong khi đó, Luật Dầu khí năm 1993 tuy được bổ sung, sửa đổi 2 lần nhưng chỉ quy định ở khâu thượng nguồn, tức là chỉ giới hạn hoạt động dầu khí ở tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, còn các khâu khác là hầu như không đề cập trong luật.

Ông Phúc dẫn chứng, Malaysia có các đạo luật phát triển dầu khí quy định cả thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn, đồng thời có luật cung ứng khí riêng. Tại Nga, ngoài Luật Dầu khí cũng có Luật Cung ứng khí. Khí phát triển thành ngành riêng và được điều chỉnh bởi một luật riêng.

“Trong bối cảnh mới hiện nay ở trong nước và quốc tế, tái cơ cấu, đặc biệt là vấn đề tiềm năng, trữ lượng dầu khí, điều kiện khai thác… sẽ tác động đến khung khổ pháp lý. Tôi cho rằng, cần sớm xúc tiến đánh giá việc thực hiện Luật Dầu khí và ban hành một luật đầy đủ về thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn của ngành Dầu khí,” nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: pvn.vn)

Từ thực tế hiện nay, ông Trần Văn, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, ngành dầu khí rất cần có các chính sách, cơ chế đặc thù riêng, phù hợp với yêu cầu ưu tiên tập trung nguồn lực quốc gia để hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế làm nền tảng để đất nước đi vào giai đoạn phát triển cao hơn trong đó có việc bảo đảm nguồn vốn để ngành dầu khí thực hiện các mục tiêu chiến lược.

Trong khi đó, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia lưu ý, đặc thù của ngành công nghiệp dầu khí là sự liên kết chuỗi giá trị, trong đó lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí là khâu đầu và cốt lõi.

Sự phát triển ổn định của các khâu như dịch vụ, điện, lọc hóa dầu… cũng như hiệu quả của chuỗi giá trị dầu khí phụ thuộc lớn vào sự tăng trưởng bền vững của khâu thăm dò, khai thác. Kết quả thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu, khí đạt thấp sẽ làm giảm hiệu quả chuỗi giá trị dầu khí cũng như đe dọa sự phát triển bền vững của ngành dầu khí.

Ông Lực cho rằng, đây là hệ quả của việc chúng ta chưa quan tâm thích đáng đến việc tìm kiếm, thăm dò nên gia tăng trữ lượng đạt kết quả kém.

Từ thực tế này, ông Lực cho rằng, trong thời gian tới, các bộ, ngành liên quan phải “xắn tay” cùng Petrovietnam để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách mà ngành dầu khí đang gặp phải.

“Chính phủ cần xem xét cho phép dùng phần thặng dư từ cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc Petrovietnam để bù đắp vào quỹ đầu tư phát triển, hỗ trợ vốn đầu tư cho các dự án đang triển khai dở dang có khả năng đem lại hiệu quả sau khi hoàn thành, trong đó có lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, có chính sách và cơ chế tạo điều kiện để các doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật Việt Nam được tham gia trực tiếp vào các dự án dầu khí, hạn chế hiện tượng “chảy máu ngoại tệ,” ông Cấn Văn Lực nói thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục