Niềm tin của người Mỹ vào nền kinh tế sụt giảm tháng thứ tư liên tiếp

Một báo cáo vừa công bố cho thấy thước đo niềm tin người tiêu dùng ở Mỹ đã giảm 5% trong tháng 11 - đây là tháng thứ tư liên tiếp niềm tin trở nên xấu đi sau bước cải thiện hồi mùa Hè năm nay.
Người dân mua sắm tại siêu thị ở Foster (Mỹ). (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo CNN, niềm tin của người Mỹ về nền kinh tế đang trở nên u ám hơn khi lãi suất đang ở mức cao nhất trong 22 năm và tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ chậm lại.

Một báo cáo sơ bộ vừa công bố cho thấy thước đo của Đại học Michigan về niềm tin người tiêu dùng đã giảm 5% trong tháng 11. Đây là tháng thứ tư liên tiếp niềm tin trở nên “tồi tệ” sau bước cải thiện trong mùa Hè.

Sự sụt giảm chủ yếu là do tác động dự kiến của lãi suất cao hơn.

“Các cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza và Ukraine cũng đè nặng lên [tâm lý] nhiều người tiêu dùng” - Joanne Hsu, Giám đốc Khảo sát Người Tiêu dùng của Trường Đại học, cho biết trong một thông cáo.

Những thay đổi trong cách người tiêu dùng đang cảm nhận rất đa dạng.

Niềm tin của người tiêu dùng trẻ và có thu nhập thấp ở Mỹ giảm mạnh nhất vào đầu tháng, trong khi niềm tin của “nhóm người nắm giữ cổ phiếu hàng đầu đã cải thiện 10%, phản ánh sự mạnh lên gần đây trên thị trường chứng khoán” - bản thông cáo cho biết.

Trong khi đó, kỳ vọng lạm phát cả ngắn hạn và dài hạn đều xấu đi trong tháng này.

Kỳ vọng của người Mỹ về tỷ lệ lạm phát trong năm tới đã tăng lên 4,4% trong tháng 11 - tăng so với mức 4,2% của tháng 10. Con số này tăng rõ rệt so với mức 3,2% của tháng Chín và là mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.

Trong một dấu hiệu đáng lo ngại đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), kỳ vọng lạm phát dài hạn đã tăng lên 3,2% trong tháng này - mức cao nhất kể từ năm 2011.

[Chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ hướng đến kịch bản 'hạ cánh mềm']

Fed đang tập trung sự chú ý vào nhận thức của người Mỹ về tình hình lạm phát. Nếu mọi người chỉ đơn giản chấp nhận mức giá cao hơn như một điều “bình thường mới,” điều đó có thể khiến việc kiềm chế lạm phát của Ngân hàng Trung ương trở nên vô cùng khó khăn.

“Các nhà đầu tư nên mong đợi Fed nêu bật cam kết của mình đối với mục tiêu lạm phát 2%, nhưng sự gia tăng kỳ vọng lạm phát trong dài hạn cho thấy người tiêu dùng không tin rằng Fed có thể hoàn thành ‘sứ mệnh’ lạm phát của mình” - Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng tại LPL Financial, viết trong một bản phân tích công bố cuối tuần này.

Fed muốn nhu cầu chậm lại

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã kiểm tra thực tế thị trường tài chính vào hôm thứ Năm, khi ông cho biết vẫn chưa thể chắc chắn về việc lạm phát có đang trên đà giảm xuống mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương hay không.

“Chúng tôi biết rằng tiến trình đạt được mục tiêu 2% không được đảm bảo… Nếu việc thắt chặt chính sách hơn nữa trở nên thích hợp, chúng tôi sẽ không ngần ngại làm như vậy” - ông Powell nói tại một hội nghị do Quỹ Tiền tệ Quốc tế tổ chức tại Washington.

Cổ phiếu đã trượt dốc sau những bình luận của ông Powell, chấm dứt chuỗi tăng dài nhất của chỉ số S&P 500 kể từ tháng 11/2021 - khi lãi suất trái phiếu kho bạc tăng vọt. Chứng khoán sau đó đã tăng trở lại vào sáng thứ Sáu.

Hoa quả được bày bán tại một cửa hàng ở Queens, New York (Mỹ). (Ảnh: THX/TTXVN)

Chủ tịch Powell cho biết nhu cầu có thể sẽ phải chậm lại để lạm phát có thể được đẩy lùi, mặc dù ông nhìn nhận đã có những tiến triển trong năm qua.

Chỉ số giá Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - đã tăng 3,4% trong tháng Chín so với một năm trước đó, giảm so với mức cao nhất trong bốn thập kỷ là 7,1% ghi nhận vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, chỉ số này không thay đổi so với tháng Tám.

Trong khi đó, chỉ số lõi - loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động - đã tăng 3,7% trong 12 tháng tính đến tháng Chín, cải thiện đôi chút so với mức tăng hằng năm 3,8% hồi tháng Tám.

Sự sụt giảm lạm phát dường như đã chững lại một chút, sau khi chậm lại đều đặn trong năm qua, và các quan chức Fed khẳng định họ chưa tin rằng lạm phát đã được kiềm chế.

Điều này có thể đồng nghĩa Fed sẽ tăng lãi suất một lần nữa, mặc dù chưa rõ khi nào khả năng đó có thể xảy ra. Theo công cụ theo dõi FedWatch, các nhà đầu tư đang đặt cược vào khả năng Fed sẽ tiếp tục giữ lãi suất ổn định lần thứ ba trong cuộc họp chính sách sắp tới vào tháng 12.

Trên thực tế, một số quan chức Fed gần đây cho biết Ngân hàng Trung ương có đủ khả năng để trì hoãn việc tăng lãi suất trong lúc họ chờ đợi thêm các dữ liệu.

Chủ tịch Fed ở thành phố Richmond, ông Thomas Barkin, cho biết việc giữ lãi suất ổn định sẽ là một động thái thận trọng bởi có thể nền kinh tế chưa cảm nhận được hết những tác động của 11 lần tăng lãi suất trước đó của Fed.

“Nói chung, chúng tôi vẫn chưa thấy toàn bộ tác động của chính sách” - ông Barkin cho biết trong một cuộc thảo luận ở New Orleans hôm thứ Năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục