Niềm tin của công chúng đối với mức độ an toàn của vắcxin đang gia tăng tại châu Âu dù có phần đi xuống tại một số khu vực châu Á và châu Phi.
Theo cuộc khảo sát toàn cầu lớn nhất từ trước đến nay về niềm tin đối với vắcxin được công bố ngày 11/9 trên tạp chí y khoa Lancet, có mối liên hệ rõ ràng giữa bất ổn chính trị và thông tin sai lệch và mức độ tin tưởng đối với sự an toàn của dược phẩm.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát gần 30.000 người và nhận thấy niềm tin đối với sự an toàn của vắcxin đang gia tăng, dù có một số trường hợp ngoại lệ, trên khắp châu Âu.
Tại Pháp, nơi niềm tin của công chúng vào vắcxin vốn luôn ở mức thấp trong nhiều thập kỷ, số người ủng hộ mạnh mẽ đối với sự an toàn của vắcxin đã tăng từ 22% lên 30%.
Tại Anh, niềm tin vào độ an toàn của vắcxin cũng tăng từ 47% hồi tháng 5/2018 lên 52% vào tháng 11/2019. Tuy nhiên, Ba Lan và Serbia lại ghi nhận sự sụt giảm đáng kể niềm tin của công chúng đối với vắcxin.
Trong khi đó, trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2019, Afghanistan, Philippines, Indonesia, Nigeria và Pakistan lại chứng kiến sự gia tăng "đáng kể" số người phản đối mạnh mẽ sự an toàn của vắcxin.
[COVID-19: EU đặt mua hàng trăm triệu liều vắcxin của BioNtech-Pfizer]
Tại Azerbaijan, sự ngờ vực của công chúng đối với vắcxin đã tăng vọt từ 2% lên 17% trong cùng giai đoạn.
Các tác giả nghiên cứu cho rằng "xu hướng đáng lo ngại này" một phần do bất ổn chính trị và tôn giáo cực đoan.
Bà Hiedi Larson thuộc Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định thông tin sai lệch lan tràn trên mạng cũng là nguyên nhân khiến người dân mất niềm tin vào vắcxin.
Bà cũng lưu ý việc công chúng không còn niềm tin với các chính trị gia nói chung cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Trong bối cảnh thế giới đang chạy đua tìm kiếm vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, các nhà nghiên cứu cảnh báo chính phủ các nước cần tăng cường đầu tư vào các chiến dịch thông tin công cộng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi trào lưu phản đối vắcxin là một trong 10 mối đe dọa y tế toàn cầu hàng đầu.
Trong những năm gần đây, sự sụt giảm trong tỷ lệ tiêm chủng đã dẫn tới sự bùng phát các căn bệnh đáng lẽ có thể phòng tránh được như bại liệt và sởi./.