Trở lại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nơi đây vẫn là cung đường đồi núi khó khăn mà phóng viên phải vượt qua.
Sau hành trình 7 tiếng đồng hồ vượt hơn 300km từ Hà Nội, phóng viên đã có mặt tại thị trấn Vinh Quang - thủ phủ của huyện Hoàng Su Phì và ngay sau đó, tới dự án nâng cấp Quốc lộ 4D đoạn kết nối hai tỉnh Hà Giang với Lào Cai. Đúng như cam kết với Bộ Giao thông Vận tải, các nhà thầu đang hối hả hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để hoàn thành dự án này trước Tết Nguyên đán.
Trên suốt hành trình hơn 20km của dự án, phóng viên ghi nhận những ngôi nhà mới ven đường đang gấp rút hoàn thành để kịp đón Tết, những gương mặt người già, trẻ thơ vui đùa cho thấy niềm hân hoan phấn khởi của bà con các dân tộc nơi đây.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, đa số bà con đều có chung cảm nghĩ vui mừng vì sắp kết thúc hành trình hơn 10 năm chờ đợi một dự án được khởi động từ năm 2008 nhưng bị dừng giãn giữa chừng do thực hiện Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP của Chính phủ ngày 24/2/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Con đường đang thi công dang dở đã khiến bà con gặp khó khăn vô cùng trong đi lại. Đa số các gói thầu trước khi bị dừng giãn mới dừng lại ở việc đào đắp nền đường, chưa thi công mặt đường. Khi mùa mưa về, cát đá sạt lở đã vùi lấp nền đường dẫn đến bà con nhiều ngày bị chia cắt không thể lưu thông được.
Hãy thử tưởng tượng, nếu là một đứa trẻ sinh ra cùng thời điểm với tuyến đường được khởi công năm nay cũng đã học lớp 5, lớp 6. Quãng thời gian chờ đợi quá lâu có thể thấy, người dân đã vất vả như thế nào trong sinh hoạt, đi lại, đặc biệt là hoạt động giao thương trong khu vực cũng như các vùng khác.
Ông Phạm Ngọc Biên, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (đại diện chủ đầu tư dự án) chia sẻ, với khó khăn về giao thông nơi đây vẫn là một huyện nghèo nhất của tỉnh Hà Giang, đồng thời cũng thuộc diện huyện nghèo của cả nước. Chính vì vậy, trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực để phát triển giao thông cho khu vực này và dự án nâng cấp Quốc lộ 4D (nối Hà Giang-Lào Cai) là một dự án như thế.
[Cuối tháng 12 hoàn thành nâng cấp Quốc lộ 4 đoạn nối Hà Giang-Lào Cai]
Dừng chân tại một khu chợ nằm ven bên tuyến, phóng viên gặp từng tốp học sinh trường Túng Sán đang đi học về. Chia sẻ với phóng viên, cháu Lèng Thị Bích (13 tuổi) trú tại thôn 7, xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), học sinh lớp 7-Trường Trung học Cơ sở Túng Sán cho hay: “Nhà cháu nằm ngay cạnh đường, bố mẹ cháu đang xây lại nhà mới. Cháu rất vui khi đường làm xong, anh em cháu đi học không sợ những ngày mưa gió nữa. Trước đây, khi đường chưa làm xong, mỗi khi mưa đến, cháu rất sợ đi học. Cháu sẽ phấn đấu học giỏi, đi học chăm ngoan hơn nữa.”
Anh Lèng Trang Rìu sinh ra và lớn lên tại địa phương (xã Túng Sán) đang cùng một số bà con trong vùng quan sát các nhà thầu thi công nốt các công đoạn còn lại trên tuyến chia sẻ: “Bao đời nay, cha ông chúng tôi phải di chuyển trên những con đường đất rất vất vả, nhất là về mùa mưa. Bây giờ được Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường nhựa khang trang, bà con rất vui. Chúng tôi sẽ làm ăn để thoát nghèo.”
Em Thền Thị Tuyết, ở thôn Bản Dao 1, xã Tân Tiến (huyện Hoàng Su Phì) tâm sự: "Lúc con đường được khởi công, chúng em còn bé, đi lại rất vất vả, đặc biệt là khi đi về chợ huyện những ngày mưa, mất cả buổi mới ra được trung tâm huyện. Năm nay, em 23 tuổi rồi, đường mới làm xong, chúng em rất vui. Bây giờ, gia đình có mớ rau, mớ cỏ hoặc các sản phẩm khác sẽ dễ dàng trao đổi để lấy tiền mua lương thực, thực phẩm."
Là một giáo viên Trường Trung học cơ sở và Tiểu học Túng Sán, quê Hải Dương, gắn bó với mảnh đất nghèo Hoàng Su Phì được hơn 10 năm, anh Nguyễn Văn Trung hiện đã là công dân thực thụ trên đây khi lập gia đình với một cô gái người địa phương. Anh Trung chia sẻ, quá trình công tác tại đây, mỗi lần di chuyển về trung tâm huyện, anh ngại nhất là cung đường khó khăn này. Nhiều lúc bất lực khi quãng đường chỉ có hơn chục cây số nữa là về đến nơi mà phải quay lại trường vì đường bị chia cắt.
Anh Nguyễn Văn Trung phấn chấn kể: “Trước đường khó đi, một tuần mình về trung tâm huyện 1 đến 2 lần thôi. Tuy nhiên, khi có đường xong, hàng ngày mình sẽ về nhà với gia đình và các con, mình sẽ gắn bó với mảnh đất này.”
Chia sẻ thêm, anh Nguyễn Văn Trung cho hay “trường chúng tôi có gần 50 giáo viên, chỉ có khoảng 2 giáo viên là người địa phương. Tôi và các giáo viên đều cảm nhận được rất rõ niềm phấn khởi của bà con và học sinh nơi đây. Có thể nói, không riêng thầy cô giáo, bà con đi chợ ở trung tâm huyện rất thuận lợi, kinh tế phát triển, người dân sẽ quan tâm đến học hành của con cái hơn.
Hồi tưởng lại lúc khó khăn, anh Nguyễn Văn Trung chia sẻ: “Hôm trời mưa lầy lội, nhiều giáo viên của trường muốn về trung tâm huyện phải chuyển từ phương tiện này sang phương tiện khác khi đường bị tắc do sạt lở. Đối với nam giới, việc đi lại còn đỡ khó khăn hơn với đồng nghiệp nữ. Vì thế, nhà trường nhiều lúc phải sắp xếp nam giới kèm cho nữ giới nếu điều kiện đi lại khó khăn."
Phóng viên có mặt tại trụ sở xã Túng Sán lúc gần 5 giờ chiều, ông Lý Chìu Mình, Phó Bí thư thường trực xã Túng Sán chia sẻ: “Trước đây, bà con nhân dân tăng gia sản xuất, tạo ra các sản phẩm nhưng rất khó mang đi tiêu thụ. Khi ốm đau, đặc biệt là những trường hợp cấp cứu cũng gặp vô vàn trở ngại."
Ông Lý Chìu Mình khẳng định giao thông đi trước mở đường, nếu đường giao thông thuận tiện, chính quyền địa phương sẽ xây dựng nhiều chương trình cho bà con để phát triển sản xuất, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, nông sản. Sau khi đường hoàn thành, việc giao thương sẽ thuận tiện, người dân trồng rau, các sản phẩm nông nghiệp sẽ dễ dàng chở ra chợ huyện hoặc các nơi khác để tiêu thụ, giao lưu hàng hóa.
Theo ông Lý Chìu Mình, hiện nay, địa phương cũng có rừng đặc dụng (Tây Côn Lĩnh) đây là địa điểm thu hút rất nhiều du khách về tham quan du lịch sinh thái. Khi đường giao thông đã làm đến xã thì du khách sẽ đi ô tô đến xã, sau đó đi xe máy đến khu Tây Côn Lĩnh để tham quan. Khi đó, xã Túng Sán sẽ có điều kiện để phát triển dịch vụ, phục vụ khách du lịch ngắm cảnh ruộng bậc thang…
Xã Túng Sán có hơn 650 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Dao, Nùng, Mông… Xã có khoảng trên 40% hộ nghèo. Với chỉ tiêu giảm 5-6 % hộ nghèo, Nghị quyết của Đảng ủy xã là khuyến khích nhân dân tăng gia sản xuất, khi có đường làm xong, đi lại dễ dàng kéo theo hàng hóa cũng dễ trao đổi, giúp tăng thêm thu nhập cho bà con.
Chia sẻ với phóng viên về ý nghĩa của việc dự án này được hoàn thành, ông Triệu Sơn An, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Su Phì cho hay, sẽ có hai xã trực tiếp được hưởng lợi nhất là Tân Tiến và Túng Sán. Ngoài ra, các xã vùng lân cận như Thương Sơn, Cao Bồ (huyện Vị Xuyên) cũng được hưởng lợi chung. Cái lợi đầu tiên nhìn thấy được là việc rút ngắn quãng đường vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân từ hai xã Tân Tiến, Túng Sán qua Vị Xuyên hoặc lên thành phố Hà Giang.
Về phát triển du lịch của địa phương, tuyến đường này khi xong sẽ góp phần phát triển du lịch tại khu vực Tây Côn Lĩnh. Khi giao thông thuận tiện, du khách sẽ dễ dàng lên đây du lịch, tham quan. Ngoài ra, đây cũng là con đường chiến lược, quan trọng của huyện Hoàng Su Phì có thể thông sang được các địa phương khác.
“Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất, cần triển khai tiếp giai đoạn 2 của dự án để kết nối đồng bộ từ huyện Hoàng Su Phì lên được cửa khẩu Thanh Thủy sang Trung Quốc. Khi đó mới phát huy được toàn bộ ý nghĩa kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của dự án,” ông Triệu Sơn An nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ đã giao cho các cơ quan tham mưu, tổ chức lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án nhóm B; trong đó, có Dự án Đầu tư, nâng cấp đường nối Quốc lộ 4C và Quốc lộ 4D đoạn Km296-Km299 (tránh thị trấn Cốc Pài), Km299-Km339 và Km368-Km388 (đoạn tuyến qua đèo Tây Côn Lĩnh) thuộc tỉnh Hà Giang. Sau khi dự án hoàn thành, thông tuyến sẽ hợp nhất với các tuyến Quốc lộ 4A, 4B, 34, 4C, 4D và 4H thành tuyến Quốc lộ 4.
“Đây là tuyến đường vành đai 1 (vành đai biên giới phía Bắc) có tính chất liên kết vùng, gắn kết các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, tạo điều kiện thông thương hàng hóa thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc thông qua các cửa khẩu Quốc tế như Thanh Thủy (Hà Giang), Cốc Lếu, Kim Thành (Lào Cai) và các cửa khẩu Quốc gia: Xín Mần (Hà Giang), Pha Long, Mường Khương (Lào Cai), có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an ninh chính trị, quốc phòng, góp phần xóa đói giảm nghèo, phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế biên mậu và an sinh xã hội cho nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc cũng như cả nước,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ./.