Tính từ tháng 11/2019 đến nay, 10 quận huyện của TP.HCM đã thực hiện Chương trình Sữa học đường (SHĐ) theo Nghị quyết 14 của HĐND TP.HCM. Với tính nhân văn sâu sắc và ý nghĩa quan trọng của chương trình đối với các em học sinh mầm non và tiểu học, chương trình đã nhận được sự đồng cảm cao từ xã hội cũng như sự ủng hộ của các bậc phụ huynh từ những ngày đầu triển khai.
Tuy bị gián đoạn một thời gian do quy định giãn cách xã hội trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 nhưng Chương trình SHĐ vẫn được các thầy cô, học sinh nhiệt tình đón nhận và tiếp tục thực hiện một cách an toàn, hiệu quả khi được thực hiện trở lại vào tháng 5 vừa qua.
Trở lại trường sau một khoảng thời gian nghỉ dài ngày, niềm vui của các em học sinh trường Tiểu học Trang Tấn Khương, xã Long Thới, huyện Nhà Bè không chỉ là được gặp lại bạn bè, thầy cô mà còn là sự háo hức được tiếp nhận nguồn sữa an toàn và đảm bảo chất lượng quy định của Bộ Y tế từ Chương trình SHĐ. Các giáo viên hướng dẫn cho các em kiểm tra hạn sử dụng trên hộp sữa và học cách gấp gọn vỏ hộp sữa và đặt đúng nơi quy định.
Khi tới giờ uống sữa, các em học sinh rất hào hứng và nghiêm túc nghe theo sự hướng dẫn của thầy, cô để giờ uống sữa được diễn ra thật vui nhưng cũng ngăn nắp và vệ sinh.
Để có thể tiếp tục triển khai đề án, trước đó, nhà trường đã lấy ý kiến phụ huynh và nhận được sự đồng thuận cao. Hiệu trưởng trường Tiểu học Trang Tấn Khương - Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết: Nhà Bè là một huyện ngoại thành nên đa số phụ huynh là người dân từ nơi khác đến sinh sống, chủ yếu là người dân lao động và người có thu nhập trung bình, nhiều gia đình còn khó khăn về kinh tế. Trường được sự đồng thuận cao của phụ huynh trong Chương trình Sữa học đường, tỉ lệ học sinh lớp 1 tham gia là 60% ở học kì 1. Sang học kì 2, số lượng các em duy trì uống sữa đạt 183/314 học sinh.
Anh Nguyễn Văn Đông - phụ huynh học sinh trường Tiểu học Trang Tấn Khương chia sẻ: Tại xã Long Thới, huyện Nhà Bè, tôi cùng nhiều phụ huynh khác là công nhân người lao động nhập cư nên điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, được sự giúp đỡ của Nhà nước và Vinamilk, các con có cơ hội tiếp cận với sữa giúp các bé trong việc phát triển thể chất và trí tuệ. Tôi mong muốn chương trình Sữa học đường này được duy trì càng lâu càng tốt.
Tại trường Mầm non Thị trấn Củ Chi 2, đi học lại những ngày sau dịch, giờ uống Sữa học đường đều được các em học sinh hưởng ứng một cách hào hứng và vui vẻ. Chị Nguyễn Thị Hiền, phụ huynh trường Mầm non Thị trấn Củ Chi 2 cho biết: “Con nói con thích uống sữa cùng các bạn lắm, vì sữa giúp con cao khỏe và học tốt. Con về còn kể mẹ nghe cô hướng dẫn uống sữa như thế nào, còn ngồi chỉ mẹ cách gấp hộp sữa thành hình vuông, nhớ tháo hai “lỗ tai” ra, rồi hướng dẫn mẹ làm xe từ vỏ hộp sữa tại nhà nữa.”
Cô Trần Thị Mộng Quỳnh, giáo viên trường Tiểu học Thị Trấn Củ Chi 2 cũng chia sẻ: “Chương trình Sữa học đường với nhiều hoạt động thú vị ngày càng thu hút nhiều em học sinh tham gia, do các em thích thú với hoạt động gấp hộp sữa tại lớp. Nhiều phụ huynh có đến xem các em uống sữa trong lớp cũng rất phấn khởi khi nhìn thấy các bé rất hào hứng với việc uống sữa cùng bạn bè.”
Ông Nguyễn Quang Thái, Giám đốc Phát triển Hoạt động Cộng đồng Vinamilk cho biết: “Từ những ngày đầu triển khai, công ty Vinamilk bảo đảm các sản phẩm Sữa học đường được sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn quy định tại Thông tư 31 do Bộ Y tế ban hành.
Bên cạnh đó, để cung cấp sữa cho các trường an toàn và hiệu quả sau dịch, việc kiểm định chất lượng sản xuất và bảo quản sữa luôn được công ty thường xuyên giám sát theo quy trình.”
Chương trình Sữa học đường do Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM chính thức triển khai từ ngày 1/11/2019 với đơn vị cung cấp sữa là Vinamilk. Mặc dù bị gián đoạn do dịch Covid-19 nhưng tính đến nay, chương trình đã mang 10 triệu hộp sữa đến với khoảng 130.000 học sinh khối mầm non và lớp 1 tại 10 quận, huyện thí điểm.
Gấp gọn vỏ hộp sữa và đặt đúng nơi quy định sau khi uống sữa cũng là một kỹ năng sống cho trẻ và là mục tiêu bảo vệ môi trường mà Vinamilk và chương trình sữa học đường hướng đến.
Theo ông Tăng Hữu Phong, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội Hội đồng Nhân dân thì Sữa học đường là một chương trình mang tính nhân văn sâu sắc và nhận được sự đồng cảm cao từ xã hội. Qua khảo sát cho thấy nhiều đơn vị trường học mong muốn việc triển khai chương trình mở rộng theo giai đoạn 5 năm, với đối tượng thụ hưởng trên cả học sinh các lớp tiểu học.
Không chỉ tại TP.HCM, Sữa học đường đã được nhiều tỉnh, thành đồng loạt tổ chức lại ngay khi học sinh quay lại trường sau thời gian giãn cách. Một số địa phương cũng bắt đầu triển khai đề án như tháng 6 vừa qua, hơn 33.000 học sinh ở 6 huyện miền núi của Quảng Nam cũng được tỉnh và Vinamilk hỗ trợ kinh phí uống Sữa học đường.
Chương trình Sữa học đường theo hình thức xã hội hóa với nguồn kinh phí thực hiện đến từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp hỗ trợ và phụ huynh đóng góp. Trong đó, Vinamilk là doanh nghiệp tích cực đồng hành triển khai đến hàng triệu học sinh mầm non, tiểu học tại 22 tỉnh, thành trên cả nước như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Thuận... mang sữa đến hơn 3,3 triệu học sinh bậc mầm non và tiểu học.
Một số trường và giáo viên ban đầu còn bỡ ngỡ với hoạt động mới và những quy định triển khai chặt chẽ nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, giờ uống sữa tại trường đã trở thành là những giây phút “thư giãn” vui mà khỏe quen thuộc của cô và trò./.
Chương trình sữa học đường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Các trẻ mẫu giáo và học sinh lớp 1 trong các trường công lập, ngoài công lập, các cơ sở bảo trợ xã hội tại 10 quận, huyện sẽ được uống một hộp sữa 180ml/lần/ngày với 5 lần/tuần. Chương trình được tiến hành theo hình thức xã hội hóa. Trong đó nhà nước hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp hỗ trợ 20%, phụ huynh chỉ phải đóng 50% chi phí. Riêng đối với các em có điều kiện khó khăn, thành phố và Vinamilk hỗ trợ uống sữa miễn phí hoàn toàn. |