Nigeria đề nghị gia hạn tình trạng khẩn cấp ở miền Đông Bắc

Tổng thống Nigeria đề nghị Quốc hội nước này gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng tại miền Đông Bắc vốn đang bị bạo lực hoành hành.
Phiến quân Boko Haram tại địa điểm bí mật ở Nigieria. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan ngày 13/5 đề nghị Quốc hội nước này gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng tại ba bang miền Đông Bắc vốn đang bị bạo lực hoành hành.

Trong một bức thư gửi Quốc hội, ông Jonathan đề nghị các Thượng nghị sỹ xem xét thông qua một nghị quyết cho phép tiếp tục áp đặt tình trạng khẩn cấp tại các bang Adamawa, Borno và Yobe sau khi sắc lệnh hiện nay hết hiệu lực vào ngày 14/5.

Ông nhấn mạnh rằng tình hình an ninh tại 3 bang này vẫn bất ổn vì các cuộc tấn công của nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram nhằm vào dân thường và quân đội gây nhiều thương vong đến mức đáng lo ngại.

Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp được ban bố ngày 14/5/2013 và được gia hạn 6 tháng lần đầu tiên vào ngày 7/11/2013. Theo đó, cho phép tăng cường binh sỹ quân đội đến khu vực Đông Bắc giúp phá vỡ các âm mưu tấn công của Boko Haram.

Tuy nhiên, trong những tháng qua, các vụ tấn công vẫn tái diễn, thậm chí leo thang, nhất là ở bang Borno gần biên giới, căn cứ địa của Boko Haram. Một trong những vụ nghiêm trọng nhất của nhóm này ở Borno là vụ bắt cóc 276 nữ sinh cách đây đúng một tháng tại làng Chibok. Hiện 223 nữ sinh vẫn mất tích.

Chính phủ Nigeria ngày 13/5 cho biết sẵn sàng đàm phán với Boko Haram để chấm dứt hoạt động nổi dậy đẫm máu kéo dài 5 năm nay của nhóm này. Bộ trưởng phụ trách các nhiệm vụ đặc biệt Taminu Turaki nêu rõ chính phủ "luôn sẵn sàng đối thoại với lực lượng nổi dậy" cũng như sẵn sàng đối thoại về mọi chủ đề, trong đó có vụ bắt cóc nữ sinh ở Chibok.

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Nigeria đã bác bỏ đề xuất của Boko Haram về việc trao đổi các con tin với các tay súng của nhóm này đang bị chính phủ giam giữ. Tuy nhiên, quân đội cho biết có thể "xem xét mọi khả năng" để chấm dứt khủng hoảng.

Trong các nỗ lực quốc tế giúp Nigeria tìm kiếm và giải cứu con tin an toàn, Anh, Mỹ, Pháp và Israel đã cử các chuyên gia tới Abuja. Người đứng đầu Bộ Chỉ huy các lực lượng Mỹ tại châu Phi, Tướng David Rodriguez cũng đã tới Abuja để thảo luận về các hỗ trợ mà Mỹ có thể cung cấp trong cuộc tìm kiếm con tin.

Trước đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Phi tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Paris để thảo luận vấn đề an ninh ở khu vực Tây Phi, trong đó tập trung vào Boko Haram.

Cùng ngày 13/5, đặc phái viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, bà Joy Ngozi Ezeilo người Nigeria, kêu gọi đàm phán để giải thoát cho các nữ sinh đang bị Boko Haram bắt giữ. Theo bà, một giải pháp qua thương lượng tốt hơn một cuộc tấn công quân sự có thể làm tổn hại các nữ sinh.

Kể từ khi bắt đầu cuộc nổi dậy năm 2009 đòi thành lập một nhà nước Hồi giáo ở khu vực miền Bắc Nigeria, Boko Haram đã trở thành mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với nước này.

Các cuộc tấn công bạo lực liên quan tới nhóm này đã làm hàng nghìn người thiệt mạng tại Nigeria, trong đó hơn 1.500 người đã bị giết hại từ đầu năm đến nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục