Ngày 25/3, các lực lượng an ninh Nigeria đã triển khai một loạt biện pháp nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an ninh cho cuộc tổng tuyển cử vào cuối tuần này.
Tổng thống Goodluck Jonathan đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ các đường biên giới của Nigeria trên đất liền và trên biển từ 0 giờ ngày 26/3 đến hết ngày 28/3 khi quá trình bỏ phiếu kết thúc.
Trong thời gian đó, tất cả những người không phải công dân Nigeria được khuyến cáo không tham gia bất cứ giai đoạn nào của quá trình trên.
Ông Jonathan cũng nhấn mạnh Chính phủ Nigeria "sẽ không dung thứ bất cứ hình thức bạo lực nào trong hoặc sau các cuộc bầu cử."
Cảnh sát liên bang Nigeria cũng thông báo hạn chế đi lại hoàn toàn trong thời gian các điểm bỏ phiếu mở cửa, từ 8 giờ đến 15 giờ ngày 28/3 (14 đến 21 giờ Việt Nam), ngoại trừ các dịch vụ khẩn cấp và các đơn vị có nhiệm vụ thiết yếu.
An ninh đặc biệt được siết chặt tại các điểm bỏ phiếu và nhiều địa điểm khác dễ bị tấn công như các cơ quan chính phủ, nơi ở của các quan chức bầu cử, các ngân hàng, bệnh viện.
Trả lời phỏng vấn tại thủ đô Abuja ngày 25/3, Tham mưu trưởng quân đội Nigeria Kenneth Minimah cho biết các biện pháp an ninh sẽ được duy trì đến ngày 11/4 sau khi kết thúc bầu cử thủ hiến và cơ quan lập pháp tại các bang.
Ông Minimah kêu gọi các ứng cử viên cũng như người ủng hộ của mỗi bên giữ gìn trật tự an ninh, đồng thời tuyên bố sẽ xử lý nghiêm bất cứ thành phần nào kích động bạo lực.
Bên cạnh đó, cơ quan tình báo Nigeria kêu gọi cử tri nước này tăng cường cảnh giác tại những nơi đông người trước, trong và sau quá trình bầu cử ngày 28/3, và cần thông báo ngay cho nhân viên an ninh về các đối tượng, vật dụng hoặc hoạt động khả nghi.
Cơ quan trên cũng yêu cầu dừng đỗ các phương tiện giao thông cách xa điểm bầu cử và đóng cửa các khu vực thương mại.
Theo ủy ban nhân quyền Nigeria, bất chấp thỏa thuận giữa các ứng cử viên về một cuộc bầu cử hòa bình, ít nhất 60 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan đến bầu cử.
Mặc dù lực lượng an ninh thường xuyên tuần tra các trại tị nạn dành cho người dân bị mất nhà cửa trong làn sóng nổi dậy của phiến quân Boko Haram, cũng như lập các điểm bỏ phiếu tại chỗ, song ngày 14/3 vừa qua 3 thiết bị nổ đã được phát hiện ở một trại thuộc thủ phủ Maiduguri ở bang Borno.
Vụ việc đã làm dấy lên lo ngại các tay súng cực đoan trà trộn vào các trại tị nạn nhằm phá hoại cuộc tổng tuyển cử.
Cũng trong ngày 25/3, Tân Hoa xã dẫn lời nhân chứng Mairo Mohammad cho biết ít nhất 75 người đã bị tàn sát trong các cuộc tấn công gần đây của Boko Haram ở thị trấn Gwoza thuộc bang Borno, miền Đông Bắc Nigeria.
Phiến quân còn bắt giữ hàng loạt phụ nữ tại nhiều địa điểm khác nhau trong thị trấn. Số ít những người sống sót đã phải ẩn náu trong rừng khoảng 4 ngày trước khi tìm đến nhà chức trách.
Thị trấn Gwoza rơi vào tay Boko Haram hồi tháng 9/2014 và hiện vẫn nằm trong danh sách những khu vực mà quân đội Nigeria chưa giành lại được quyền kiểm soát.
Cùng ngày, người phát ngôn an ninh quốc gia Nigeria Mike Omeri đã bác bỏ thông tin Boko Haram bắt cóc hơn 400 phụ nữ và trẻ em ở thị trấn Damasak, miền Bắc nước này.
Lo ngại làn sóng bạo lực của Boko Haram, ngày 25/3, Đại sứ Cộng hòa Chad tại Liên hợp quốc Mahamat Cherif cho rằng nhóm phiến quân cực đoan này còn nguy hiểm hơn cả tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, đồng thời kêu gọi đối phó với Boko Haram bằng các biện pháp tương tự như với IS.
Theo ông Cherif, Cộng hòa Chad, Nigeria và Angola đã trình một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó đề nghị thông qua việc sử dụng lực lượng vũ trang chống Boko Haram, thành lập "Quỹ ủy thác” để chi trả cho lực lượng này và đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân hoặc tổ chức hậu thuẫn phiến quân./.