Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) kỷ niệm ba sự kiện thiêng liêng về Đức Phật Thích ca Mâu ni là Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết bàn, từ năm 1999 đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức công nhận là Lễ hội văn hóa, tôn giáo của Liên hợp quốc.
Năm 2008, Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak tại thủ đô Hà Nội và Ninh Bình là địa phương diễn ra một số hoạt động hưởng ứng Đại lễ.
Năm 2014, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak tại Chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình).
Sẵn sàng cơ sở vật chất
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Lê Văn Dung cho biết số lượng đại biểu chính thức dự Đại lễ khoảng 3.500 người, trong đó có 1.500 đại biểu là người nước ngoài đến từ 98 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; từ 10.000-15.000 chức sắc, tín đồ, phật tử ở trong và ngoài nước đăng ký tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Đại lễ.
Dự kiến, khoảng 1.500 đại biểu là khách quốc tế và đại biểu của Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tỉnh bố trí nghỉ tại các khách sạn trên địa bàn; khoảng 2.000 đại biểu Phật giáo trong, ngoài nước sẽ lưu trú tại các khách sạn ở Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận là Hà Nam, Nam Định và Thanh Hóa.
Với mục tiêu sẵn sàng về cơ sở vật chất khi đón tiếp các đại biểu và du khách gần xa về dự Đại lễ, các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc tỉnh Ninh Bình đã phối hợp chặt chẽ với Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường tập trung nhân lực, vật lực thi công các công trình trọng điểm như hội trường trung tâm 3.500 chỗ ngồi - nơi diễn ra các hoạt động khai mạc, bế mạc Đại lễ; tu bổ đường giao thông; tăng cường mạng lưới đèn chiếu sáng kết hợp trang trí; bổ sung hệ thống vệ sinh công cộng tại Khu du lịch văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính.
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, cho biết hội trường trung tâm có quy mô 3.500 chỗ đã thi công xong các hạng mục chính, cơ bản hoàn thành hệ thống công trình vệ sinh và đang hoàn thiện việc lắp đặt ghế ngồi; lắp ghép các lan can bằng đá ở khu vực hành lang; lát đá khu vực sân của hội trường; đổ bêtông đường dẫn phía trước, san nền đường dẫn phía sau.
Đội ngũ chuyên gia tiếp tục cho chạy thử thiết bị âm thanh, ánh sáng; hệ thống điện, nước; lắp đặt hệ thống ống dẫn khí điều hòa.
Hiện doanh nghiệp đang huy động tổng lực công nhân xây dựng cùng các trang thiết bị khẩn trương làm ba ca liên tục, phấn đấu trong vài ngày tới là hoàn thiện một số hạng mục nhỏ của công trình hội trường chính, liên kết các cụm trang trí khu cổng chính, khu Tam thế và khu vực diễn ra các hoạt động ngoài trời như Hội chợ văn hóa Phật giáo, triển lãm văn hóa Phật giáo, chương trình nghệ thuật giao lưu quốc tế, đảm bảo cho Đại lễ Vesak 2014 diễn ra an toàn, chu đáo, thành công theo đúng lịch trình.
Bên cạnh việc tranh thủ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các bộ, ban, ngành trung ương, tỉnh Ninh Bình phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiến hành khảo sát, thống kê hơn 30 khách sạn xếp hạng 3 sao trở lên, đủ tiêu chuẩn để bố trí nơi nghỉ cho 1.500 đại biểu quốc tế.
Cùng với đó, địa phương chủ động giới thiệu, cung cấp thông tin, hướng dẫn nơi nghỉ cho các tăng, ni không phải là đại biểu chính thức cùng các phật tử trong và ngoài nước về tham dự Đại lễ đến lưu trú tại gần 100 nhà nghỉ, trên 20 ngôi chùa và tư gia của tín đồ theo đạo Phật đang sinh sống trên địa bàn.
Theo sự phân công của tỉnh, huyện Kim Sơn và các đơn đơn vị quân đội đóng tại huyện miền núi Nho Quan cung cấp thực phẩm sạch gồm nấm ăn, đậu phụ, rau quả.
Ban Quản lý chùa Bái Đính chủ động về cơ sở vật chất, nhân viên để phục vụ ăn buffet (khoảng 5.000 suất/bữa) tại tầng hầm điện Tam Thế cho toàn bộ khách mời và đại biểu chính thức tham dự Đại lễ; chế biến khoảng 40.000 suất cơm hộp/ngày tại Khách sạn Hoa Lư và vận chuyển lên chùa Bái Đính để phát cho các tín đồ, phật tử và nhân dân đến dự các hoạt động bên lề sự kiện.
Các lực lượng chức năng sẵn sàng phương án giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, quản lý chặt chẽ việc bán hàng, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi phản cảm, chèo kéo, gây phiền hà cho các đại biểu, phật tử và du khách.
Khai thác tiềm năng du lịch tại địa phương
Nằm ở cực Nam đồng bằng sông Hồng, tỉnh Ninh Bình là địa phương giàu tiềm năng về du lịch, là nơi có cố đô Hoa Lư hơn nghìn năm tuổi, gắn liền với ba triều đại Đinh, Tiền Lê và Lý.
Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú và con người cũng tạo nên ở nơi đây nhiều di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng như chùa Nhất Trụ (Một Cột); đền Trần, Phủ Khống; Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động; Quần thể nhà thờ đá Phát Diệm và đặc biệt là Khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính, một trong những trung tâm Phật giáo (thờ Phật), Đạo giáo (thờ thần Cao Sơn), tín ngưỡng thờ Mẫu (mẫu Liễu Hạnh) của cả nước. Những di tích và danh lam thắng cảnh này đã và đang trở thành những điểm du lịch văn hóa, tâm linh hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Tổng thư ký phụ trách ngoại vụ của Ủy ban tổ chức Đại lễ Vesak thông tin trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2014 diễn ra tại chùa Bái Đính sẽ có các hoạt động gồm hội thảo khoa học về Phật giáo với phát triển bền vững và thay đổi xã hội, bảo vệ môi trường; hội chợ văn hóa Phật giáo; triển lãm mỹ thuật Phật giáo đương đại kết hợp với giao lưu, biểu diễn nghệ thuật Phật giáo; các nghi lễ văn hóa tâm linh.
Nhân dịp này, lần đầu tiên Liên hoan phim Phật giáo thế giới được tổ chức nhằm hiện thực hoá các giá trị, tư tưởng truyền thống của Phật giáo đến đời sống xã hội.
Trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc tại các khu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây, loại hình du lịch văn hóa tâm linh ở Ninh Bình có sự phát triển mạnh mẽ bởi địa phương xác định đầu tư vào loại hình này là một hướng đi hiệu quả, giúp cho du khách tìm lại được cảm giác bình yên, thanh thản trong tâm hồn, từ đó hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ trong cuộc sống.
Khi đến với mỗi điểm du lịch tâm linh ở Ninh Bình, du khách không chỉ đạt được sự gia tăng về niềm tin mà còn tăng cường "sợi dây" gắn bó, kết nối mối quan hệ giữa cá nhân với những người đồng đạo.
Đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2014, địa phương coi đây là một dịp thuận lợi để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung, Ninh Bình nói riêng, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè trong nước và quốc tế cho Quần thể Danh thắng Tràng An đang được đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới.
Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch khẳng định Khu vực Hoa Lư-Tam Cốc-Bích Động là một bộ phận quan trọng và không thể tách rời của di sản Cố đô Hoa Lư-Tràng An, là điểm đến quan trọng trong hệ thống các khu du lịch quốc gia.
Phát triển du lịch Cố đô Hoa Lư-Tràng An có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với du lịch Ninh Bình mà còn đối với hoạt động phát triển du lịch của thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, đóng vai trò là một trong bảy khu vực trọng điểm du lịch của cả nước.
Đặt mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tại địa phương, Ninh Bình đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chủ động hoàn thiện chính sách, thúc đẩy hợp tác với cộng đồng, bảo vệ và gìn giữ các giá trị truyền thống; xây dựng các quy định về sử dụng tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch tâm linh nhằm tạo cơ hội việc làm bền vững cho người dân bị thu hồi đất phục vụ phát triển "ngành công nghiệp không khói;" tăng cường đa dạng hóa sản phẩm, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa theo hướng củng cố, phát triển các điểm đến du lịch theo trục Hoa Lư-Tràng An một cách khoa học, bền vững trong mối quan hệ phát triển du lịch chung với khu vực tâm linh tại chùa Bái Đính.
Cùng với đó, địa phương khuyến khích việc liên kết đào tạo, nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng trong quản lý du lịch, các nhóm dân cư đặc biệt với người dân bản địa thông qua phát triển du lịch tâm linh; tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy hòa hợp, đảm bảo sự tồn tại của các giá trị truyền thống qua nhiều thế hệ.
Theo Cục trưởng Cục thống kê tỉnh Ninh Bình Đinh Thế Thập, trong bốn tháng đầu năm 2014, lượng khách du lịch quốc tế đến thăm quan đạt 202.800 lượt người, tăng 4,1%. Số ngày khách lưu trú qua đêm trên địa bàn ước đạt gần 169.000 lượt, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước./.