Ninh Bình: Rà soát lại toàn bộ văn bản cấp đất xây chùa Bái Đính

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, khẳng định doanh nghiệp không quản lý và sử dụng bất cứ một mét vuông đất nào tại khu vực xây dựng chùa Bái Đính.
Ninh Bình: Rà soát lại toàn bộ văn bản cấp đất xây chùa Bái Đính ảnh 1Chùa Bái Đính. (Nguồn: TTXVN)

Gần đây, báo chí đề cập việc một số địa phương cấp hàng nghìn hécta đất để xây dựng chùa, trong đó có thông tin tỉnh Ninh Bình cấp hơn 1.000ha đất để mở mang, xây dựng chùa Bái Đính tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, nay do Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường quản lý.

Về vấn đề này, ông Đặng Đức Tân, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh đang rà soát lại toàn bộ những văn bản có liên quan đến việc cấp đất xây dựng chùa Bái Đính và trả lời báo chí cũng như các cơ quan chức năng trong thời gian sớm nhất.

Trước thông tin đề cập đến việc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường sở hữu toàn bộ diện tích xây dựng chùa Bái Đính, qua đó sử dụng vào nhiều mục đích cá nhân, ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường cho rằng thông tin dư luận đưa ra là không đúng.

Ông Trường khẳng định doanh nghiệp không quản lý và sử dụng bất cứ một mét vuông đất nào tại khu vực xây dựng chùa; đồng thời nhấn mạnh toàn bộ diện tích xây dựng chùa Bái Đính đều thuộc quyền quản lý và sử dụng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

[Bộ TN&MT lên tiếng việc cấp hàng nghìn hécta đất để xây chùa]

Ông Trường cho biết việc chùa Bái Đính được du khách gần xa biết đến đã góp phần đưa điểm du lịch này có tên trên bản đồ những ngôi chùa nổi tiếng thế giới, là một trong những yếu tố cấu thành nên Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An.

Cùng với các địa điểm du lịch khác của tỉnh Ninh Bình, chùa Bái Đính đã góp phần nâng cao hình ảnh của địa phương.

Ninh Bình đã trở thành địa danh thu hút đông khách du lịch và là địa danh đứng đầu trong top 50 điểm đến thích hợp cho du lịch, theo xếp hạng của báo Insider năm 2018.

Chùa Bái Đính hiện do Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý, kinh phí xây dựng chùa là do Giáo hội huy động từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có cả phần đóng góp từ phía người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục