Khai thác, gìn giữ bền vững giá trị di sản thế giới thể "sống"

Ninh Bình tập trung khai thác bền vững giá trị di sản thế giới

Ninh Bình cam kết gìn giữ giá trị toàn cầu của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An - một di sản sống với 44.000 người dân trong đó vùng lõi có trên 14.000 người.
Danh thắng Tràng An.(Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Năm 2017, khách du lịch đến Ninh Bình đạt trên 7 triệu lượt, tăng hơn 8% so với năm 2016. Trong đó, khách nội địa là hơn 6,15 triệu lượt, tăng 7% so với năm 2016, khách quốc tế 850.000 lượt, tăng trên 20%. Doanh thu từ du lịch đạt hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2016, riêng Quần thể danh thắng Tràng An đón trên 6 triệu lượt khách.


Di sản thúc đẩy phát triển du lịch

Với diện tích gần 1.400 km2, tỉnh Ninh Bình có địa hình đa dạng với rừng núi, sông hồ, đất ngập nước, đồng bằng và vùng ven biển. Đây là các điều kiện tự nhiên tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp cùng các hệ sinh thái độc đáo cho Ninh Bình. Đây là thế mạnh mà không phải địa phương nào cũng có được.

Thêm vào đó, Ninh Bình có tới 1.499 di tích phân bổ trên địa bàn 146 xã, phường, thị trấn, trong đó có 79 di tích quốc gia, 250 di tích cấp tỉnh với 260 lễ hội truyền thống diễn ra hàng năm. Đặc biệt, ngày 25/6/2014, Quần thể danh thắng Tràng An được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

Là một vùng thiên nhiên kỳ thú, rừng núi nguyên sơ với diện tích hơn 12.000 ha, Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển ngành du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ nông nghiệp sang dịch vụ, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập người dân địa phương.

Năm 2017, khách du lịch đến Ninh Bình đạt trên 7 triệu lượt, tăng hơn 8% so với năm 2016. Trong đó, khách nội địa là hơn 6,15 triệu lượt, tăng 7% so với năm 2016, khách quốc tế 850.000 lượt, tăng trên 20%. Doanh thu từ du lịch đạt hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2016, riêng Quần thể danh thắng Tràng An đón trên 6 triệu lượt khách.

Hồ bán nguyệt tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, nơi lưu dấu nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật kiến trúc, tâm linh. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 trong đó xác định “Bảo vệ và phát huy hiệu quả, bền vững các giá trị của Di sản là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp và của nhân dân trong tỉnh.” Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết và các Quy định trong quản lý, bảo tồn và phát huy di sản này.

Ông Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết du lịch đã góp phần đưa hình ảnh Ninh Bình đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Quần thể danh thắng Tràng An đã thu được những kết quả tích cực. Các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện các quy định của pháp luật và Công ước của UNESCO về quản lý, bảo vệ di sản; ý thức bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị di sản, nhất là của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp được nâng lên.

Hoạt động du lịch, dịch vụ từng bước được tổ chức, quản lý khoa học theo hướng bền vững; an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được đảm bảo. Bên cạnh đó, công tác quảng bá xúc tiến du lịch ngày càng được chú trọng, luôn đổi mới về hình thức và nội dung, góp phần tích cực nâng cao hình ảnh, xây dựng thương hiệu, thu hút ngày càng đông khách du lịch đến Ninh Bình.


Cam kết gìn giữ giá trị toàn cầu của di sản

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình Đinh Chung Phụng cho biết, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chương trình, kế hoạch, chiến lược về bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới gắn với phát triển du lịch. Đến nay, các giá trị đặc biệt, độc đáo của Quần thể danh thắng Tràng An luôn được quan tâm, bảo tồn, quảng bá đến đông đảo bạn bè trong nước, quốc tế. Những tiềm năng, thế mạnh của di sản đã được phát huy, đem lại những thay đổi tích cực trong phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Bến thuyền tham quan Quần thể danh thắng Tràng An. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Tuy nhiên, Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An là một di sản “sống.” Đây là nơi sinh sống của trên 44.000 người dân, trong đó vùng lõi có trên 14.000 người dân. Do đó việc quản lý, bảo vệ di sản và phát triển du lịch luôn đặt ra khó khăn, thách thức lớn.

Thực tế cho thấy, thực trạng nhận thức của một số cán bộ, nhân dân trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Quần thể danh thắng Tràng An chưa cao, sự phối hợp của các cấp, các ngành, đơn vị quản lý, khu, điểm du lịch trong vùng di sản còn chưa chặt chẽ đã diễn ra.

Bên cạnh đó việc xây dựng trách nhiệm của cộng đồng địa phương trong bảo vệ di sản, xây dựng môi trường văn hóa, văn minh trong các hoạt động lễ hội, dịch vụ du lịch chưa được triển khai sâu rộng.

Chính vì vậy, hiệu quả các giải pháp phát triển du lịch tại đây chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và chưa có tính đột phá gắn với thương hiệu di sản…

Cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú trên đường vào khu du lịch Tam Cốc - Bích Động với ruộng lúa chín vàng xen giữa những dãy núi đá vôi hai bên bờ sông Ngô Đồng. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Thành Đông cho biết, để khắc phục hạn chế nêu trên thời gian tới đây ngành kết hợp với các cơ quan chức năng sẽ tập trung vào công tác quản lý nhà nước trong quản lý di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.

Cụ thể sẽ kiểm tra, rà soát các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn di sản, từ đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với thực tế, phát triển các hoạt động du lịch một cách bền vững, có trách nhiệm. Ngoài ra, công tác xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, bảo vệ, khai thác hiệu quả giá trị của Di sản Tràng An nói riêng, danh thắng tại Ninh Bình nói chung sẽ được đẩy mạnh. 

Cam kết với mục tiêu cao nhất là quản lý, bảo tồn và giữ gìn các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản để trao truyền lại cho các thế hệ mai sau, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình Đinh Chung Phụng khẳng định, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản Quần thể danh thắng Tràng An. Đồng thời, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình sẽ phát huy bền vững, hiệu quả các giá trị của khu di sản phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân địa phương, đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn của một khu di sản thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục