Những vệt nắng cuối ngày dần chợt tắt cũng là lúc các phụ huynh người đồng bào Raglai ở xã vùng cao Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận tất bật đưa con em tới lớp học tình thương ở chùa Long Cát để học chữ, làm các phép toán với ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn.
Đã thành thông lệ, vào thứ Hai, thứ Ba và thứ Năm hằng tuần, khi chiều muộn, chị Katơr Thị Sanh (xã Công Hải, huyện Thuận Bắc) lại tranh thủ đưa con trai Katơr Hoàng Khương (10 tuổi) đến lớp học tình thương ở chùa Long Cát.
Chị Sanh chia sẻ, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, vợ chồng chị lại không biết chữ nên không thể giúp con trong việc học. Ở trường Khương đang học lớp 4 nhưng hơi yếu nên gia đình đã xin cho cháu vào lớp học tình thương, để các thầy cô củng cố thêm kiến thức giúp cháu.
Cùng theo học tại lớp học tình thương nhưng em Katơr Thị Hiểm (11 tuổi, học lớp 5) có tuổi thơ khó khăn hơn nhiều. Hiểm cho biết, học hết lớp 1 em phải nghỉ học, để phụ giúp gia đình. Hàng ngày vào buổi sáng em lùa bò đi ăn cỏ, đến chiều khi bò vào chuồng em mới có thời gian để đến lớp học tình thương. Trước khi vào lớp, em được nhà chùa cho ăn cơm rồi mới vào học. Ở lớp học tình thương này, Hiểm được sư cô chăm lo và các thầy cô giáo dạy em rất tận tình. Ngoài ra, mọi người ở đây còn cho em đồng phục, dụng cụ học tập.
Đồng cảm với những khó khăn vất vả của phụ huynh và học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Linh cho hay, lớp học chủ yếu là con em đồng bào Raglai thuộc những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương ít có điều kiện đến trường. Do đó, có em 15 tuổi nhưng chưa biết chữ, lại chưa nói rành tiếng Việt nên phải vào học lớp 1. Đây là năm thứ ba cô gắn bó với lớp học tình thương nhưng mỗi lần đứng lớp cô đều phải rút kinh nghiệm để xây dựng giáo án, tìm cách truyền đạt sao cho dễ hiểu và phù hợp với khả năng tiếp thu của các em.
Tâm sự về lý do mở lớp học tình thương nơi cửa chùa, sư cô Thích Nữ Đức Thịnh, trụ trì chùa Long Cát, chia sẻ vào năm 2002, nhà chùa thấy tại địa phương có nhiều người không biết chữ, gặp khó khăn trong việc đọc viết và sinh hoạt hàng ngày nên nhà chùa có ý định dạy chữ, để người dân và phật tử biết đọc, biết viết. Mỗi khi cha mẹ đến chùa học, các em cũng đi cùng do hàng ngày các em theo cha mẹ lên nương rẫy nên không có điều kiện đến trường. Từ đó, nhà chùa đã vận động xây dựng thêm một số phòng học và thuê giáo viên về mở lớp dạy học miễn phí cho các em. Mỗi năm có hàng trăm em theo học tại chùa.
[Lớp xóa mù chữ đặc biệt trên dãy Trường Sơn xa xôi]
“Nếu mình làm từ thiện thì số tiền hay quà cho bà con, các em dùng trong một buổi cũng sẽ hết nên mình tạo điều kiện lâu dài cho các em học chữ, biết làm các phép tính để sau này lớn lên các em biết tính toán, làm ăn để cho cuộc sống đỡ vất vả hơn. Trước khi vào lớp, các em được nhà chùa nấu ăn một bữa cơm chiều hoặc một tô mỳ tôm lót dạ. Các em được cấp sách vở, bút mực, đồng phục, học đến lớp 5 thì được tuyển vào học bậc trung học cơ sở tại địa phương. Ngoài ra, vào những ngày lễ tết, nhà chùa hỗ trợ thêm quần áo, giày dép để sẻ chia bớt gánh nặng với gia đình các em," sư cô Thích Nữ Đức Thịnh chia sẻ thêm.
Năm học 2018-2019, có hơn 100 học sinh theo học từ lớp 1 đến lớp 5 tại chùa Long Cát. Lớp học bắt đầu từ 17 giờ 30 đến 19 giờ 30 phút vào các ngày thứ Hai, thứ Ba và thứ Năm trong tuần. Tất cả các giáo viên đứng lớp đều được nhà chùa mời từ Trường Tiểu học xã Công Hải về dạy theo chương trình giáo dục tiểu học quốc gia. Ban ngày các thầy cô dạy trên trường, sau giờ lên lớp các thầy cô sắp xếp tới lớp học tình thương.
Ngoài nhiệm vụ giảng dạy các môn Toán, Tiếng Việt… mỗi giáo viên còn dạy thêm các kỹ năng sống, động viên các em cố gắng đến lớp để học lấy cái chữ. Mỗi khi có em nghỉ học, sư cô Thích Nữ Đức Thịnh và các thầy cô lại lặn lội tới từng nhà, lên tận rẫy tìm hiểu nguyên nhân, động viên các em đi học, duy trì sỹ số lớp.
Ông Mai Duy Bàng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, cho biết những năm qua, nhà chùa đã tích cực hỗ trợ địa phương trong công tác xóa mù chữ cho các học sinh nghèo. Học sinh ở lớp học tình thương được các thầy cô giáo chỉ dạy tận tình nên các em đã có ý thức vươn lên trong học tập. Nhiều em đã đọc thông, viết thạo, có điều kiện học tiếp lên các lớp cao hơn ở các trường trung học trên địa bàn. Địa phương luôn tạo điều kiện, rất mong có nhiều nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đồng hành cùng chùa Long Cát trong công tác dạy học, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
Mặc dù chùa Long Cát còn nhiều khó khăn nhưng sư cô Thích Nữ Đức Thịnh vẫn luôn tâm niệm cố gắng làm hết sức mình với nhiều việc bổ ích cho đạo, cho đời. Nhìn cảnh lớp học được tổ chức nề nếp, quy củ, các học sinh chăm chỉ học tập chúng tôi thầm cảm phục nghĩa cử đầy cao đẹp của trụ trì chùa Long Cát trong suốt 17 năm qua.
Việc mở lớp học tình thương đang đi đúng với những tâm nguyện của sư cô Thích Nữ Đức Thịnh, góp phần chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo ở huyện vùng cao tỉnh Ninh Thuận còn nhiều khó khăn này./.