Nỗ lực của Việt Nam trong 2 thập kỷ vào mạng lưới dự trữ sinh quyển

Việc được UNESCO công nhận có 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới là cơ hội để Việt Nam tiếp cận, áp dụng các sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững.
Nỗ lực của Việt Nam trong 2 thập kỷ vào mạng lưới dự trữ sinh quyển ảnh 1Thị trấn Cát Bà nhìn từ trên cao. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ngày 17/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Ngoại giao, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNESCO), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tổ chức Hội thảo "Phát triển và quản lý các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam."

Hội thảo là cơ hội để các bên liên quan nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được sau 2 thập kỷ Việt Nam tham gia mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của UNESCO cũng như thảo luận các giải pháp quản lý bền vững các khu dự trữ sinh quyển và định hướng phát triển mạng lưới khu dự trữ sinh quyển trong thời tới.

Theo thông tin tại hội thảo, thế giới hiện có 714 khu dự trữ sinh quyển tại 129 quốc gia đã được UNESCO công nhận, trong đó Việt Nam có 9 khu với diện tích hơn 4 triệu ha, chiếm khoảng 12,1% diện tích cả nước và là nơi sinh sống của khoảng 2,3 triệu người.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động hội nhập, ký kết và thực hiện tốt nhiều công ước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học như Công ước Đa dạng sinh học, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đối khí hậu, Công ước Di sản thế giới, Công ước Ramsar về bảo tồn các vùng đất ngập nước...

Đặc biệt, với vai trò là thành viên, Việt Nam đã tham gia và thực hiện hiệu quả Chương trình Con người và Sinh quyển do UNESCO khởi xướng từ năm 1971.

[Thập kỷ bảo tồn đa dạng sinh học - Việt Nam đã làm gì?]

Việc thiết lập và quản lý các khu dự trữ sinh quyển là một sáng kiến thể hiện việc tiếp cận phát triển bền vững, trong đó con người là trung tâm của hệ sinh thái, giải quyết hài hòa các mục tiêu bảo tồn, phát triển trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đây là một cách tiếp cận phù hợp để thực hiện thành công mục tiêu của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, hướng tới tầm nhìn 2050 của Chiến lược toàn cầu về bảo tồn đa dạng sinh học là “sống hài hòa với thiên nhiên."

Việc được UNESCO công nhận có 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới là cơ hội để Việt Nam tiếp cận, áp dụng các sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững kinh tế-xã hội.

Tại các khu dự trữ sinh quyển, các chiến lược và kế hoạch hành động của Chương trình Con người và Sinh quyển được khởi xướng, nỗ lực triển khai nhằm cải thiện sinh kế, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở tôn trọng, duy trì các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống. Những nỗ lực này đã đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học cũng như các cam kết quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý và phát triển các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam đang tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết, liên quan đến hành lang pháp lý, tổ chức quản lý, nguồn lực thực hiện mục tiêu quản lý các khu dự trữ sinh quyển.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với UNDP thực hiện dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam." Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ và sẽ thực hiện trong giai đoạn 2019-2024.

Bà Sitara Syed, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh điều cần thiết là phải nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của các khu dự trữ sinh quyển đối với việc bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học phong phú của Việt Nam.

Chúng ta cần có các quan hệ đối tác công mạnh mẽ hơn và các chiến lược hiệu quả để có được sự tham gia tích cực của các bên liên quan tại địa phương nhằm tăng cường các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam vì một tương lai tốt đẹp hơn của quốc gia và đạt được các các thành tựu của Mục tiêu phát triển bền vững.

Nỗ lực của Việt Nam trong 2 thập kỷ vào mạng lưới dự trữ sinh quyển ảnh 2Những cánh rừng bạt ngạt xanh ngút tầm mắt dọc tuyến đường huyết mạch Rừng Sác-Cần Giờ. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

UNDP cam kết tiếp tục hợp tác để bảo vệ tài sản đa dạng sinh học phong phú của Việt Nam trong những thập kỷ tới.

Nhân dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tặng bằng khen cho 2 tập thể và 4 cá nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển khu dự trữ sinh quyển thế giới, kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tài nguyên và môi trường” cho giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục