Nỗ lực cứu hộ sau động đất, sóng thần tại Indonesia gặp nhiều trở ngại

Công tác cứu hộ và cứu nạn người dân khu vực chịu ảnh hưởng của trận động đất và sóng thần ở tỉnh Trung Sulawesi, Indonesia, đang gặp rất nhiều khó khăn
Nỗ lực cứu hộ sau động đất, sóng thần tại Indonesia gặp nhiều trở ngại ảnh 1Chuyển thi thể một em nhỏ sau động đất kèm sóng thần ở Palu, đảo Sulawesi, Indonesia ngày 29/9/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiện công tác cứu hộ và cứu nạn người dân khu vực chịu ảnh hưởng của trận động đất và sóng thần ở tỉnh Trung Sulawesi, Indonesia, đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh số người thiệt mạng đã lên tới gần 50 người và hơn 350 người bị thương.

Theo hãng tin Reuters (Anh), sáng 29/9, những cơn dư chấn mạnh vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng tới thành phố Palu, trên đảo Sulawesi, sau trận động đất mạnh tạo sóng thần với những cột sóng cao tới 3m.

Động đất và sóng thần xảy ra trong thời điểm hàng trăm người đang tập trung tại đây chuẩn bị cho lễ hội biển mừng ngày truyền thống của thành phố vào đêm 28/9 nên con số thương vong có thể sẽ lên cao hơn.

Người phát ngôn Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) Purwo Nugroho cho biết hàng nghìn nhà cửa, bệnh viên, trung tâm thương mại, khách sạn và cả những cây cầu đã bị phá hủy.

[Hình ảnh tang thương sau vụ động đất-sóng thần kinh hoàng ở Indonesia]

Ngay sau động đất, Cơ quan Khí tượng thủy văn Indonesia (BMKG) đã phát cảnh báo sóng thần nhưng đã dỡ bỏ sau đó 34 phút.

Vì vậy, cơ quan này đang hứng chịu chỉ trích nặng nề vì không thông báo sóng thần xảy ra tại Palu vào sáng 29/9 dù các quan chức địa phương đều cho rằng những con sóng lớn đã tới ngay khi cảnh báo sóng thần được đưa ra.

Động đất và sóng thần làm hư hại mạng lưới dẫn điện chính của khu vực nên các hình thức liên lạc cũng ảnh hưởng và gây nhiều khó khăn cho công tác cứu hộ.

Hiện BNPB chưa có bất kỳ thông tin nào từ thị trấn Donggala, cách tâm trấn động đất 27km. Giới chức cũng cho biết các máy bay chở hàng quân sự đã được huy động để chở nhu yếu phẩm tới tiếp tế cho khu vực bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, sân bay thành phố Palu hiện vẫn đang tạm ngừng hoạt động trong khi trạm kiểm soát không lưu của sân bay cũng bị phá hủy trong thảm họa nên có thể sẽ cản trở những nỗ lực tiếp tế, cứu nạn bằng đường hàng không.

Các tuyến giao thông đường bộ dẫn tới Palu từ phía Đông và phía Nam hiện cũng đang bị gián đoạn.

Trước đó, chiều 28/9, Trung Sulawesi đã liên tục hứng chịu 2 trận động đất mạnh 6,1 độ Richter (lúc 15 giờ) và 7,5 độ Richter (lúc 18h) làm rung chuyển cả khu vực.

Các trận động đất này đã gây ra sóng thần làm thiệt hại nhiều nhà cửa, công trình xây dựng trong khu vực. Hàng nghìn người đã phải sơ tán lên vị trí cao hơn.

Trận động đất ở Donggala đã khiến cầu Vatulemo, biểu tượng thành phố Palu, bị hư hại. Nhiều khu vực bị mất điện, sự cố viễn thông khiến cho liên lạc bị cắt đứt. Sân bay Palu buộc phải đóng cửa do điều kiện đường băng bị sự cố.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ chia buồn sâu sắc với những thiệt hại về người và của mà người dân tại Trung Sulawesi đang phải hứng chịu sau loạt trận động đất và sóng thần.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric cho biết Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực cứu hộ của chính phủ Indonesia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.