Các nhà khoa học Israel vừa công bố phát hiện mới, theo đó nọc độc của loài ốc sên hình nón ở biển có thể giúp bào chế một loại thuốc mới cho các bệnh nhân cao huyết áp và có bất thường về tim.
Viện Khoa học Weizmann (WIS) ngày 24/10 cho biết phát hiện trên cũng có thể dẫn tới việc bào chế các loại thuốc trừ sâu tự nhiên an toàn hơn, vì một số thành phần trong loại nọc này chỉ tiêu diệt côn trùng mà không ảnh hưởng đến vật nuôi.
Phát hiện này, được công bố trên báo khoa học PNAS, có thể giải thích một số tác dụng phụ của các loại thuốc chặn đường dẫn kali, như các loại thuốc tim mạch và cao huyết áp, và cho phép bào chế các loại thuốc tốt hơn.
Nọc độc của nhiều động vật tiết nọc làm tê liệt các "nạn nhân" bằng các chất độc có khả năng bịt kín đường ống dẫn các ion kali ra vào tế bào, một cơ chế được gọi là "nút cổ chai."
[Liệu bệnh mất trí nhớ có sự khác biệt theo giới hay không?]
Các đường ống dẫn kali là các cấu trúc tế bào quan trọng, điều khiển quá trình chuyền các tín hiệu thần kinh, các kích thích điện của cơ và nhiều quá trình khác bằng việc cho phép các dòng ion kali vận chuyển.
Các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi phát hiện rằng nọc độc của loài ốc sên nón biển hoạt động theo cách hoàn toàn khác, không bằng hiệu ứng nút cổ chai mà theo một cơ chế chưa từng được biết tới, theo đó tác động lên ngoại biên của đường ống dẫn.
Kết quả trên sẽ cho phép kiểm nghiệm xem liệu các tác dụng phụ của các loại thuốc chặn đường dẫn kali có xuất phát từ những thay đổi cấu trúc giống với các chất độc của sên nón gây ra hay không, qua đó có thể giúp bào chế các loại thuốc mới giảm các tác dụng phụ trên của thuốc cũ./.