"Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cho vay ngoại tệ và vẫn tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng tự quyết cho vay đối với 2 đối tượng là dự án sản xuất hàng xuất khẩu của doanh nghiệp và doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đến hết năm 2015."
Đó là khẳng định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khi trao đổi với báo chí trước dư luận về Thông tư 29 vừa ban hành sẽ “siết” không cho nhiều doanh nghiệp cho vay ngoại tệ.
- Đối với nội dung Thông tư 29 mới ban hành thì nhiều người vẫn hiểu là tới ngày 31/12/2014 Ngân hàng Nhà nước sẽ “khóa van” cho vay ngoại tệ đối với 2 đối tượng doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xăng dầu. Như vậy, có phải chúng ta sẽ “siết” vay ngoại tệ với các đối tượng này?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Không phải đến thời điểm 31/12/2014 sẽ dừng cho vay ngoại tệ mà theo Thông tư này thì các tổ chức tín dụng được phép cho vay ngoại tệ đối với các nhu cầu ngoại tệ ngắn, trung, dài hạn để thực hiện thanh toán hàng hóa và dịch vụ, nhập khẩu từ nước ngoài về và khách hàng có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Các tổ chức tín dụng được tự quyết định. Thông tư 29 chỉ quy định đối với một số dự án trọng điểm của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có thể chấp thuận bằng văn bản đối với các tổ chức tín dụng sau khi thẩm định nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.
Trong thời gian của năm 2013 cũng như năm 2014, với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn, lúc đó tín dụng còn chưa mở rộng nhiều do sức hấp thụ, cầu trong nước còn thấp, nên nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thống đốc đã chủ trương cho các tổ chức tín dụng tự quyết định cho vay ngoại tệ đối với 2 nhu cầu: cho vay vốn trong nước để thực hiện dự án mà sản xuất hàng xuất khẩu mà doanh nghiệp họ cũng sẽ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu và nhu cầu thứ hai là cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức và cái đó cho thực hiện đến hết 31/12/2014.
Còn thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã đánh giá tình hình hoạt động cho vay ngoại tệ thời gian qua. Qua đánh giá nhu cầu vay vốn ngoại tệ của hai nhu cầu này, dư nợ cho vay ngoại tệ chiếm 30% trong tổng dư nợ cho vay ngoại tệ của toàn hệ thống. Trong đó, dư nợ cho vay đối với các dự án xuát khẩu chiếm 24%, còn dư nợ cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu chiếm khoảng 6%.
Đây không phải là mức lớn. Tuy nhiên, cân nhắc trên cơ sở năm 2015, Quốc hội đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra 6,2% cũng là mức cần phải có nhiều giải pháp để hỗ trợ có thể đạt được mục tiêu này, trên cơ sở phân tích nhiều yếu tố Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục cho các tổ chức tín dụng tự quyết định cho vay ngoại tệ đối với 2 nhu cầu vay vốn này được thực hiện hết 2015 chứ không phải chấm dứt hoàn toàn vào 31/12/2014 như mọi người hiểu.
Thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu tổ chức tín dụng báo cáo số liệu đến hạn của khoản tín dụng ngoại tệ để nắm dòng tiền, nắm tổng thể sẽ điều kiện ổn định thị trường ngoại hối.
- Vậy việc gia hạn này sẽ có tác động thế nào đối với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và nền kinh tế?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Có thể nói rằng đối với các doanh nghiệp, trong bối cảnh điều kiện tỷ giá tương đối ổn định, lãi suất cho vay VND “dâng” cao hơn so với lãi suất cho vay bằng ngoại tệ, chính vì như thế việc tiếp tục cho phép cho vay ngoại tệ 2 nhu cầu này tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn so với vay vốn bằng VND.
Còn đối với các tổ chức tín dụng, trong điều kiện hiện chưa thực sự thông suốt bởi sức hấp thụ vốn vẫn còn yếu nên việc cho phép ngân hàng mở rộng cho vay ngoại tệ này sẽ tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng mở rộng mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Tổng thể với kinh tế, doanh nghiệp được vay ngoại tệ, giảm chi phí, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu và sản xuất trong nước, giúp đạt tăng trưởng 6,2% trong năm 2015.
- Việc tiếp tục cho vay ngoại tệ tuy tích cực nhưng liệu có e ngại làm “cầu” ngoại tệ tăng mạnh và tác động ngược trở lại tạo sức ép lên thị trường ngoại hối không thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Thị trường ngoại hối chịu tác động của nhiều yếu tố. Yếu tố căn bản quan trọng nhất là cung-cầu ngoại tệ và cung-cầu ngoại tệ phải được đánh giá trên góc độ tổng thể và toàn diện. Việc cho phép các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay ngoại tệ với 2 nhu cầu vay vốn trên có thể sẽ giúp giảm nhu cầu mua ngoại tệ đến thời điểm các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn.
Tuy nhiên nhu cầu vay vốn trong tương lai khi các khoản nợ đến hạn có tăng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các tổ chức tín dụng đó có nguồn thu ngoại tệ hay không. Đối với những nhu cầu vốn vay để thực hiện dự án sản xuất hàng xuất khẩu thì các dự án này sẽ có nguồn thu ngoại tệ trả nợ các khoản vay. Đối với nhu cầu vay vốn để nhập khẩu xăng dầu thì thường doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ, tuy nhiên, dư nợ tín dụng ngoại tệ đối với nhu cầu vay vốn này chỉ chiếm khoảng 6% vì vậy không có tác động lớn với thị trường.
Ngoài 2 nhu cầu vay vốn ngoại tệ nêu trên, trong thời gian qua, nhằm tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng , Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt chấp thuận cho một số nhu cầu vay vốn để phục vụ dự án trọng điểm của Chính phủ cũng như nhu cầu vay vốn để thực hiện trong lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, tuy nhiên trong quá trình xem xét, Ngân hàng Nhà nước đã phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng trên cơ sở thanh toán ngoại tệ của toàn hệ thống cũng như các tổ chức tín dụng. Tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo các khoản nợ khi đến hạn để giúp kiểm soát, đảm bảo an toàn thị trường.
Dự kiến, cuối tuần này hoặc đầu tuần sau sẽ có văn bản chính thức thay thế Thông tư 29.