Nỗi lo khủng bố làm thay đổi lối sống của người dân Italy

Lo ngại mối đe dọa từ khủng bố, nhiều người dân Italy đã thay đổi thói quen sinh hoạt như hạn chế đến các nơi đông người và thậm chí không ra khỏi nhà vào buổi tối.
Nỗi lo khủng bố làm thay đổi lối sống của người dân Italy ảnh 1Lực lượng an ninh tuần tra tại quảng trường St. Peter, Vatican. (Ảnh: Getty Images)

Không thực hiện các chuyến du lịch nước ngoài, giảm bớt số lần đi xem phim ngoài rạp và đến những nơi đông người và thậm chí không ra khỏi nhà vào buổi tối.

Đó là lối sống của dân Italy hiện nay trong bối cảnh an ninh được đặt lên hàng đầu.

Ngày 11/1, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề kinh tế và xã hội Italy (Censis), do những nỗi lo ngại bị tấn công khủng bố, khoảng 8,3 triệu người dân nước này đã thay đổi nếp sống của mình.

Theo điều tra của Censis, những người lo sợ nhiều nhất là phụ nữ, tuổi từ 35 đến 44, chủ yếu sống ở miền Trung nước Ý, vùng có thủ đô Rome.

24% số người được hỏi yêu cầu cần phải tạm thời đình chỉ Hiệp định Schengen về di chuyển tự do giữa các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đặt bút ký văn bản này, đóng cửa biên giới và đòi hỏi cần phải có một lực lượng đặc biệt của châu Âu để chống lại khủng bố quốc tế.

17% số ý kiến thậm chí cho rằng cần phải gia tăng tấn công các tay súng thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.

Được thực hiện trên tất cả các vùng của Italy trong khoảng thời gian hơn một tháng sau vụ tấn công khủng bố ở Paris hôm 13/11/2015, điều tra của Censis cho thấy, 65,4% người Italy đã buộc phải thay đổi lối sống do lo ngại khủng bố.

73% trong số này không đặt hoặc hủy các chuyến du lịch ra nước ngoài, đặc biệt là tới các nước có nguy cơ khủng bố cao, 53% tránh không đến gần các di tích lịch sử hoặc văn hóa có ý nghĩa biểu tượng cũng như các quảng trường và nhà ga tàu hỏa.

52,7% không còn muốn đi đến các rạp chiếu phim, nhà hát, triển lãm, bảo tàng, 27,5% không sử dụng các phương tiện giao thông là tàu điện ngầm, tàu hỏa hoặc máy bay, trong khi 18% hạn chế ra ngoài vào buổi tối.

Báo cáo của Censis cho rằng, các cuộc tấn công khủng bố ở Paris đã "gây ra một tác động mạnh mẽ đối với người Italy, ảnh hưởng nghiêm trọng lên suy nghĩ, lối sống và thói quen hàng ngày của họ."

Censis cho rằng, số người Italy tham dự lễ khai mạc của Năm Thánh ở Vatican hôm 8/12 vừa qua là một ví dụ cho thấy, nỗi lo sợ bị khủng bố đã "ngăn cản người dân đến các nơi đông người, các sự kiện lớn."

Cũng theo Censis, nguy cơ khủng bố đã khiến người Italy có thái độ dè chừng và thận trọng, thậm chí ác cảm hơn với người nhập cư.

Từ năm 2010-2015, số người Italy tin rằng người nhập cư sống ở Italy là một "vấn đề nghiêm trọng" ngày càng tăng.

Sự khác biệt về lối sống, văn hóa và tôn giáo là những điều khiến nhiều người Italy tin rằng, việc hoà nhập người nhập cư vào xã hội Italy không đơn giản và có thể ảnh hưởng đến người bản địa.

Thống kê của Censis cho thấy, chỉ có 26,3% số người nhập cư ở Italy theo đạo Hồi, nhưng với 44% người Italy, Hồi giáo mang ý nghĩa tiêu cực.

45% số người chưa từng hoặc ít tiếp xúc với người theo Hồi giáo cho rằng tín ngưỡng này "không tốt", 41% số người tiếp xúc thường xuyên với người Hồi giáo cũng có suy nghĩ tương tự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.