Theo phóng viên TTXVN tại Trung và Đông Âu, sáng 20/3 giờ địa phương, nông dân Ba Lan đã bắt đầu một cuộc biểu tình mới với quy mô lớn trên toàn quốc nhằm phản đối chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) và việc nhập khẩu thực phẩm, nông sản giá rẻ từ Ukraine.
Cảnh sát Ba Lan cho biết khoảng 70.000 người biểu tình đã dùng máy kéo và ôtô phong tỏa 580 tuyến đường trên khắp cả nước, bao gồm cả thủ đô Warsaw và cửa khẩu với quốc gia láng giềng Litva.
Các cuộc biểu tình khiến giao thông trở nên hỗn loạn, tình trạng ùn tắc xảy ra khắp nơi buộc nhiều phương tiện phải chuyển hướng, trong khi một số trường học đã phải đóng cửa.
Cuộc biểu tình này do Hội đồng Quốc gia của Công đoàn Nông dân độc lập Ba Lan tổ chức, nhằm phản đối Thỏa thuận Xanh cho châu Âu, phản đối nhập khẩu nông sản giá rẻ từ Ukraine, tình trạng hạn chế chăn nuôi ở Ba Lan và tình hình khó khăn trong nông nghiệp, đồng thời yêu cầu bồi thường và hỗ trợ cho nông dân.
Những người biểu tình cũng kêu gọi áp đặt lại thuế hải quan đối với nông sản nhập khẩu từ Ukraine.
Nông dân Ba Lan tiến hành cuộc phong tỏa mới tại biên giới với Đức
Việc phong tỏa ở hai cửa khẩu Swiecko và Gubinek sẽ kéo dài đến tối 20/3, nông dân đỗ máy kéo trên đường cao tốc A2, gây gián đoạn giao thông theo cả hai chiều.
Không chỉ tại Ba Lan mà nông dân tại nhiều quốc gia EU khác cũng đang kêu gọi thay đổi một số hạn chế do Thỏa thuận Xanh cho châu Âu áp đặt với ngành nông nghiệp nhằm làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.
Nông dân Ba Lan cũng phàn nàn tình hình càng khó khăn hơn do thực phẩm và nông sản giá rẻ nhập khẩu từ Ukraine sau những mặt hàng này được Ủy ban châu Âu (EC) đã miễn thuế từ năm 2022 để hỗ trợ Ukraine.
Trước đó ngày 19/3, EU đã đạt được một thỏa thuận tạm thời cho phép các nhà sản xuất thực phẩm Ukraine được miễn thuế vào thị trường EU thêm một năm nữa, đến tháng 6/2025.
Đồng thời, EU cũng nhất trí tái áp đặt thuế đối với một số nông sản từ Ukraine nếu các sản phẩm nhập khẩu này vượt quá một số lượng nhất định.
Ngày 15/3 vừa qua, EC cũng đã đưa ra biện pháp hỗ trợ nông dân châu Âu khi đề xuất nới lỏng một số quy định về bỏ hoang đất đai hoặc luân canh cây trồng./.