Nông dân Tiền Giang mất trắng 180 tỷ đồng vì nghêu chết hàng loạt

Sân nghêu của 156/180 hộ dân nuôi nghêu ở Gò Công Đông đã bị chết hàng loạt không rõ nguyên nhân với tổng sản lượng thiệt hại gần 12.000 tấn, tương đương mất trắng 180 tỷ đồng.
Nghêu chết hàng loạt. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Trong những ngày qua, người dân ở vùng nuôi nghêu tập trung tại ven biển Gò Công Đông thuộc địa bàn Tân Điền và khu vực giáp ranh của tỉnh Tiền Giang đang phải chật vật chống đỡ tình trạng nghêu chết tràn lan chưa rõ nguyên nhân.

Theo bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gò Công Đông, tình trạng nghêu chết phát hiện từ khoảng giữa tháng 3/2015, rải rác tại một số sân nghêu với tỷ lệ chết 30-40%. Thế nhưng, chỉ mấy ngày sau đó, tình trạng nghêu chết diễn ra ngày một phức tạp và trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về vật chất, khiến bà con hết sức lo lắng.

Cụ thể, đến cuối tháng 3/2015, toàn vùng nuôi có 180 hộ dân thả nuôi trên diện tích gần 2.000ha thì đã có 156 hộ dân đến kê khai tình trạng nghêu chết với chính quyền địa phương trên diện tích 1.151ha và sản lượng thiệt hại gần 12.000 tấn.

Nếu tính giá trị trên thị trường hiện nay là 15 triệu đồng/tấn nghêu thịt thì tổng thiệt hại đến thời điểm này lên đến khoảng 180 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo dự đoán của những nông dân lành nghề nhiều năm nay gắn bó với nghề nuôi nghêu ven biển Gò Công, tình trạng nghêu chết chưa phải đã dừng lại.

Theo ông Ngô Phi Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Thành, trên địa bàn xã, có nhiều sân nghêu thiệt hại lên đến trên 90%, số nghêu sống chỉ còn lại rất ít. Đó là trường hợp các sân nghêu của các ông Nguyễn Thành Rum (trên 19ha) tại ấp Bà Canh; Trần Văn Đá ( 7,7ha) tại ấp Tân Phú và Nguyễn Văn Hòa ( 20ha) ở ấp Tân Tây.

Ông Nguyễn Thành Rum, một trong những hộ dân bị thiệt hại nặng nhất do nghêu chết bất thường cho biết, gia đình ông phát hiện nghêu chết rải rác với tỷ lệ thấp vào giữa tháng 3/2015. Chỉ vài ngày sau đó, khi kiểm tra lại thì nghêu đã chết gần hết.

Thời điểm nghêu chết trùng với những ngày gió chướng thổi mạnh, độ mặn nước biển tại sân nghêu tăng cao, đo được đến 38/1.000.

Ông Nguyễn Văn Toàn, ở ấp Cây Bàng, có sân nghêu rộng 3,7ha cho biết, ông đã đầu tư vào đây gần nửa tỷ đồng cho các khoản chi phí về con giống, kỹ thuật, thuê mướn nhân công... Dự kiến đến tháng 7/2015 thu hoạch. Nhưng những ngày qua, sân nghêu của ông cũng bị chết đến 90%, coi như mất trắng.

Ông Toàn lo lắng cho biết, khoản nợ vay hơn 100 triệu đồng để nuôi nghêu khó lòng trả được khi thời gian đáo hạn đã đến gần.

Chung nỗi buồn với ông Nguyễn Văn Toàn có ông Nguyễn Quốc Vinh, ở ấp Cây Bàng, xã Tân Thành. Sân nghêu của ông Vinh rộng 8,4ha nằm gần sân nghêu của ông Nguyễn Văn Toàn. Ông Vinh đầu tư trên 600 triệu đồng nuôi nghêu. Do thả sau nên dự kiến đến năm 2016, gia đình ông mới vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, hiện tại, nghêu đã chết hết.

Ông Trần Hai, Giám đốc Ban Quản lý cồn bãi huyện Gò Công Đông cho biết, thông thường nghêu vùi mình trong cát. Lúc nước lớn ngập bãi, nghêu trồi lên ăn, còn khi nước ròng lại vùi xuống cát ẩn mình.

Có thể phát hiện hiện tượng nghêu chết là khi nước ròng, nghêu không vùi mình xuống cát hoặc miệng há ra, cũng có khi nghêu vùi mình trở lại nhưng yếu và chết luôn dưới cát...

Theo ông Trần Hai, những năm trước, tình trạng nghêu chết vào thời điểm mùa khô hạn hàng năm không phải là hiếm. Các năm 2009, 2011, 2013... là những năm xảy ra tình trạng nghêu chết trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho bà con vùng nuôi, trong đó năm 2013 thiệt hại nặng nhất, ước lên đến 300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm nay, theo ghi nhận của ông Trần Hai, nghêu chết chậm hơn thường kỳ gần 1 tháng. Nghêu chết đột ngột, diễn biến bất ngờ và trên diện rộng.

Bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gò Công Đông cho biết, ngay từ khi phát hiện nghêu chết, một mặt địa phương phối hợp với các ngành chức năng tỉnh như Chi cục Thủy sản, Chi cục Thú y... tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát, đánh giá tình hình nghêu chết, lấy mẫu tìm hiểu nguyên nhân; mặt khác hướng dẫn bà con vùng nuôi kê khai, nắm lại thực tế số lượng diện tích, số lượng nghêu bị chết và thiệt hại vật chất của người dân...

Trên cơ sở đó, địa phương có giải pháp hỗ trợ nông dân vùng nghêu ven biển khắc phục thiệt hại, sớm ổn định sản xuất và đời sống.

Tuy nhiên, đến đến thời điểm này vẫn chưa xác định rõ được nguyên nhân nghêu chết. Biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng gay gắt rồi độ mặn cao đột ngột, những nguyên nhân khác..., đều là những khả năng có thể tác động khiến nghêu nuôi suy yếu rồi chết. Đặc biệt, trong những năm gần đây, diễn biến thời tiết, thủy văn và biến đổi khí hậu ngày một rõ nét mà duyên hải Gò Công là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đối với vùng nuôi nghêu cũng vậy. Sau Tết Nguyên đán, khi mùa khô hạn và nhiễm mặn Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu, người dân lại nơm nớp nỗi lo nghêu chết.

Đặc thù của nghề nuôi nghêu là thả lan trên bãi bồi ven biển nên hễ cứ sân nghêu này chết lại lần lượt đến các sân khác nhiễm bệnh chết theo, không thể phong tỏa, cắt đứt mầm mống bệnh tật một cách hữu hiệu.

Theo lãnh đạo huyện Gò Công Đông, trước mắt, địa phương khuyến cáo nông dân tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật nuôi nghêu, sử dụng nghêu giống tốt, thả mật độ phù hợp khoảng 150 con/m2, đồng thời cùng các ngành hữu quan thực hiện quan trắc cập nhật tình hình dịch bệnh, hướng dẫn người dân không tiếp tục thả con giống khi môi trường nuôi không thuận lợi để hạn chế rủi ro, thiệt hại đến sản xuất.

Đối với những hộ nuôi bị thiệt hại hướng dẫn kê khai để có giải pháp hỗ trợ theo quy định. Qua đó, giúp người nuôi nghêu vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục