Nông sản Việt Nam tìm "điểm chạm" với thị trường Nhật Bản

Hiện JICA đang tiếp tục thúc đẩy các dự án hợp tác nằm trong chuỗi chương trình hợp tác nông nghiệp nhằm giúp các địa phương của Việt Nam tăng năng suất nông nghiệp, cải thiện sinh kế của người dân.
Chuối Việt Nam lần đầu có mặt tại thị trường Nhật Bản. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Theo Phó Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, ông Kubo Yoshitomo, cơ quan này đang tiếp tục thúc đẩy các hoạt động và dự án nằm trong chuỗi các chương trình hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Việt Nam; qua đó giúp các địa phương tăng năng suất nông nghiệp, tăng hiệu quả của chuỗi giá trị, tăng cường liên kết của các mô hình phát triển kinh tế; nhất là khu vực tư nhân; đồng thời, cải thiện sinh kế của người dân các địa phương.

Cùng với đó là việc phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai một số hoạt động hỗ trợ giúp nâng cao khả năng giảm khí thải carbon tại Việt Nam, tập trung vào quản lý tài nguyên nước; hợp tác với các công ty nông nghiệp trong việc cải thiện điều kiện sống và triển khai công nghệ hiện đại để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai tự nhiên.

Kỳ vọng những kế hoạch này sẽ mang tới nhiều cơ hội phát triển mới, giúp các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ có thêm động lực và niềm tin để tiếp tục tiến trình phục hồi, đưa nền kinh tế vượt lên trên những khó khăn hiện tại, ông Kubo nhấn mạnh.

Đúng như những gì các doanh nghiệp mong mỏi, bà Trần Thị Kim Ngân, Đại diện Thương mại của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Trà Vinh Farm cho biết trên hành trình khởi sự kinh doanh, Trà Vinh Farm cũng vượt qua nhiều thách thức, khó khăn; đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 trước đây.

Với hơn 5 năm hiện diện trên thị trường, Trà Vinh Farm đã cho ra mắt và giới thiệu nhiều dòng sản phẩm; trong đó nổi bật là mật hoa dừa. Đây là dòng sản phẩm đặc biệt, được thu thủ công từ hoa dừa và không phải là mật ong; bằng các kỹ thuật massage hoa và thu mật truyền thống của người Khmer tại Trà Vinh.

Mật hoa dừa là sản phẩm giàu khoáng chất, thuần tự nhiên và có chỉ số đường huyết thấp, rất phù hợp với trẻ nhỏ, cung cấp năng lượng ổn định cho người tiểu đường, ăn kiêng, ăn chay, chơi thể thao và bảo vệ sức khỏe. Quan trọng là rất được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản.

[Duy trì chất lượng để đảm bảo chỗ đứng cho quả nhãn tươi tại Nhật Bản]

Năm 2021, sản phẩm từng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản và nhận được phản hồi rất tích cực từ người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau giai đoạn dịch bệnh, những khó khăn về thị trường và nhu cầu đã làm gián đoạn hành trình xuất khẩu mẫu sản phẩm đặc trưng của Trà Vinh Farm.

Tại Hội thảo "Việt Nam-Nhật Bản hợp tác hướng tới tăng trưởng xanh" vừa được tổ chức tại Hà Nội, Trà Vinh Farm tiếp tục có những sản phẩm giới thiệu tới đại diện các doanh nghiệp thương mại Nhật Bản sang thăm Việt Nam, qua đó, kỳ vọng trở lại lộ trình xuất khẩu; đồng thời, tìm kiếm thêm những nhà đầu tư mong muốn chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.

Trà Vinh Farm cũng như nhiều doanh nghiệp nông sản Việt Nam đều kỳ vọng sẽ thu nhận được những giá trị từ các mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, bà Kim Ngân cho hay.

Ông Trương Văn Đại, Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Quốc tế Simbagroup Việt Nam cho hay Nhật Bản là một trong những thị trường khó tính, có rất nhiều tiêu chuẩn, quy định khác nhau đặt ra đối với hàng hóa nhập khẩu. Với nông sản nhập khẩu, Nhật Bản yêu cầu cần phải tuân thủ theo các quy định trong Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn Nông nghiệp của Nhật Bản và Luật Đo lường...

Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN, cho biết thị trường Nhật Bản luôn chiếm hơn 40% doanh thu xuất khẩu của tập đoàn. Nhật Bản cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của PAN với các sản phẩm chế biến sâu mang thương hiệu PAN.

Phát triển theo chiều rộng và chiều sâu, đầu tư nghiêm túc, bài bản vào mảng nông nghiệp thực phẩm bằng việc nâng cao chất lượng, áp dụng công nghệ hiện đại vào khâu chế biến với chiến lược phát triển bền vững đang là chiến lược mà PAN tập trung theo đuổi.

Việt Nam là quốc gia có sản lượng nông sản lớn. Việc cần làm của các doanh nghiệp nông sản Việt lúc này là cần thể hiện quyết tâm và chứng minh rằng nông sản, thực phẩm được chế biến sâu, mang thương hiệu Việt Nam có thể tự tin về chất lượng sánh vai với sản phẩm của bất kỳ quốc gia nào trên thị trường thế giới./.

Gạo ST25 được giới thiệu tại Nhật Bản với thương hiệu A An. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục