Lệnh giãn cách xã hội kéo dài vì đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người dân vốn phụ thuộc vào khách du lịch tại thành phố Chiang Mai, miền Bắc Thái Lan, lâm vào cảnh khó khăn do bị mất việc làm, dẫn đến thu nhập giảm sút, không đủ tiền mua lương thực, thực phẩm hằng ngày.
Thấu hiểu được những khó khăn mà người dân Chiang Mai phải trải qua, kiến trúc sư Supawut Boonmahathanakorn hoạt động trong lĩnh vực giải pháp nhà ở cho những người vô gia cư tại thành phố này đã “biến” bãi rác tồn tại khoảng 20 năm qua và đang chứa khoảng 5.700 tấn rác thải thành một nông trại giữa lòng đô thị có thể giúp đỡ những người nghèo vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực, thực phẩm do dịch bệnh gây ra.
Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, kiến trúc sư Supawut đã cho san lấp và cải tạo đất, bổ sung một lớp đất màu mỡ ở bề mặt thay cho lớp đất bạc màu, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ cây giống cũng như phân bón cho trang trại rộng 4.800m2 này thông qua mạng xã hội.
Nông trại đô thị Chiang Mai bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 6/2020 và hiện cung cấp các loại rau xanh như xà lách, rau cải ăn lá (bó xôi, cải xanh, cải ngọt, cải chíp), rau gia vị, ngô, cà chua, gà và trứng… cho hầu hết người dân gần đó.
Chuyên gia Supawut nhận định những gia đình nghèo thường dành hơn một nửa số tiền kiếm được để mua lương thực, thực phẩm, nên khi thu nhập cạn kiệt vì tác động của dịch bệnh, họ phải vật lộn để kiếm sống và nuôi gia đình, do đó mô hình trang trại này là “phao cứu sinh" cho họ.
Ammi, một phụ nữ vô gia cư thuộc tộc người bản địa Akha sống tại trang trại từ tháng 7/2020 cũng thừa nhận rằng ngô, các loại dưa và bắp cải mà cô trồng đã và đang nuôi sống gia đình cô, đồng thời thời mang lại một khoản thu nhập nhỏ.
Các chuyên gia đô thị Thái Lan cũng nhận định mô hình trang trại đô thị ở Chiang Mai đã giúp thúc đẩy an ninh lương thực và sinh kế cho các gia đình nghèo trong bối cảnh khủng hoảng dịch bệnh COVID-19, và có thể áp dụng cho những không gian không hoặc chưa sử dụng đến ở những thành phố khác.
Cuối năm ngoái, Đại học Thammasat, một trong những trường lâu đời nhất tại Thái Lan, cũng đã khai trương nông trại trên mái nhà lớn nhất châu Á tại Bangkok với diện tích 7.000m2.
Không chỉ xuất hiện ở Thái Lan, dự án vườn rau Manguinhos, một sáng kiến nông nghiệp đô thị và là trang trại cộng đồng lớn nhất Mỹ Latinh, đang giúp ít nhất 800 hộ gia đình tại một trong những khu ổ chuột nghèo nhất ở thành phố Rio de Janeiro của Brazil sống sót trong đại dịch COVID-19.
Trang trại đô thị rộng bằng 4 sân vận động được cải tạo từ một khu đất là những đống đổ nát này còn tạo việc làm cho hơn 20 lao động địa phương vào thời điểm mà quốc gia Nam Mỹ đang chật vật cứu nền kinh tế chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh.
Ezequiel Dias, một nông dân 44 tuổi làm việc tại trang trại từ khi dự án khởi động vào năm 2013, chia sẻ dự án vườn rau Manguinhos đã giúp thay đổi cuộc sống của ông sau 5 năm rơi vào tình trạng thất nghiệp mà vẫn gánh trên vai trách nhiệm phải nuôi sống gia đình.
Ông cho biết không chỉ ông, trang trại này còn mang đến những “hạt giống hy vọng” cho hàng nghìn cư dân thuộc cộng đồng Manguinhos vốn coi “cuộc sống hằng ngày luôn là một cuộc chiến” với việc tiếp cận hệ thống vệ sinh, việc làm và giáo dục.
Khi dịch bệnh COVID-19 lây lan ra toàn cầu, các quốc gia trên thế giới đã áp đặt những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh.
Các thành phố, các bang hay đường biên giới quốc gia bị phong tỏa, gây ảnh hưởng đến hoạt động đi lại, vận tải, dẫn đến hệ lụy tất yếu là chỗ thừa, chỗ thiếu lực lượng lao động, làm đứt gãy nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm gây ra mối đe dọa nghiêm trọng trong việc tiếp cận thực phẩm tươi sống.
Câu hỏi đặt ra là những khu vực bị phong tỏa như vậy lấy thức ăn từ đâu khi mà nhu cầu tại địa phương tăng cao.
Có lẽ những câu chuyện thành công về trang trại đô thị kể trên là đáp án thích hợp cho vấn đề bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh đại dịch.
Kiến trúc sư Supawut cho rằng các trang trại đô thị không thể nuôi sống toàn bộ thành phố, nhưng chúng có thể cải thiện dinh dưỡng và tạo khả năng tự cung tự cấp cao hơn, đặc biệt là ở những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khi xảy ra đại dịch COVID-19 vốn khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn nghiêm trọng.
[Khai mạc hội nghị trù bị thượng đỉnh hệ thống lương thực thế giới]
Báo cáo thường niên về an ninh lương thực và dinh dưỡng mà Liên hợp quốc (Liên hợp quốc) công bố hồi tháng Bảy cho thấy đại dịch COVID-19 đã phơi bày những điểm yếu trong hệ thống lương thực thế giới, đe dọa tới đời sống và kế sinh nhai của người dân mà không khu vực nào trên thế giới thoát khỏi tình trạng này.
Số người thiếu ăn trên thế giới trong năm 2020 tăng 18% so với năm trước đó, lên khoảng 768 triệu người, mức tăng mạnh nhất trong hàng thập kỷ qua. Trong đó, 418 triệu người ở châu Á, 282 triệu người ở châu Phi, 60 triệu người ở Mỹ Latinh và vùng Caribe.
Tại châu Phi, 21% người dân bị thiếu ăn, cao hơn gấp đôi so với bất kỳ khu vực nào khác. Trong khi đó, số người không thể tiếp cận đầy đủ lương thực trong năm ngoái đã tăng 320 triệu người lên 2,37 tỷ người. Mức tăng trong năm 2020 này tương đương với mức tăng của 5 năm trước cộng lại.
Trước thực trạng trên, việc phát triển nông nghiệp đô thị được xem là một công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy tính bền vững và giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực.
Theo nhận định của Giám đốc điều hành ComCrop - trang trại đô thị thương mại ở Singapore, Allan Lim, đại dịch là một lời nhắc nhở rằng sự gián đoạn nguồn cung cấp lương thực thực phẩm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, do đó các sản phẩm từ nông trại đô thị có thể đóng vai trò là “bộ phận giảm xóc” trước những cú sốc như vậy.
Nghiên cứu của Đại học bang Arizona (Mỹ) cho thấy các mô hình trang trại đô thị có khả năng sản xuất 180 triệu tấn lương thực mỗi năm, tương đương khoảng 10% sản lượng các loại đậu và rau toàn cầu.
Bên cạnh việc bảo đảm nguồn cung thực phẩm, việc xây dựng nông trại trên mái nhà còn cung cấp khả năng làm mát tự nhiên cho các tòa nhà và đường phố, làm xanh, sạch đô thị, giảm ô nhiễm môi trường, trong khi các trang trại được cải tạo từ không gian mặt đất không sử dụng đến góp phần tăng độ phủ thực vật, hạn chế tăng nhiệt độ và giảm nguy cơ lũ lụt.
Trong khi đô thị hóa được coi là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với đa dạng sinh học, thì việc trồng các loại cây nông nghiệp bản địa giúp duy trì và làm phong phú các loại côn trùng, bảo vệ hệ sinh thái, và có thể giúp đảo ngược tình trạng biến đổi khí hậu.
Thậm chí, nghiên cứu do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố còn cho thấy ngay cả việc mỗi gia đình tự trồng cây trên mái nhà hoặc ban công nhà mình còn giúp các thành viên được hòa mình vào thiên nhiên, cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến người dân gặp những vấn đề về tâm lý khi phải ở nhà nhiều hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển các mô hình trang trại đô thị vẫn ở cấp độ cá nhân, chưa mang tính hệ thống, nên quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Giới chuyên gia kêu gọi các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách cần trở thành “đối tác dinh dưỡng,” tận dụng khoảng trống, chuyển đổi những không gian cằn cỗi thành những mảnh đất xanh tươi và hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.
Liên hợp quốc cảnh báo nếu không có các giải pháp kịp thời, với xu hướng hiện nay, thế giới sẽ bỏ lỡ mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc là không còn người thiếu ăn vào năm 2030.
Dự báo, hơn 2/3 dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố vào năm 2050, Liên hợp quốc cho rằng nông nghiệp đô thị có thể là yếu tố quan trọng trong tương lai.
Theo như nhận định của Tiến sỹ Rachel Carey, giảng viên về hệ thống lương thực, thực phẩm tại Đại học Melbourne của Australia, các thành phố nên tăng cường khả năng canh tác đô thị như một “chính sách bảo hiểm” trong trường hợp xảy ra thiên tai hoặc đại dịch hay bất kỳ tình huống khẩn cấp nào trong tương lai có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng./.