Nữ giảng viên Đại học Huế gieo mầm đam mê nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu của cô Hoàng Thị Kim Hồng, giảng viên Đại học Huế, về giống sen Huế đã góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước, khôi phục các giống sen Huế trên hồ Tịnh Tâm.
Nữ giảng viên Đại học Huế gieo mầm đam mê nghiên cứu khoa học ảnh 1Cô giáo Hoàng Thị Kim Hồng (trái) là một trong 12 trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên-Huế năm 2021. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Hơn 30 năm giảng dạy và nghiên cứu khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Thị Kim Hồng (sinh năm 1966), Giảng viên cao cấp tại Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận trong giảng dạy và có nhiều nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của địa phương.

Đam mê nghiên cứu khoa học

Tốt nghiệp ngành Sinh học của Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) với tấm bằng xuất sắc, năm 1990, cô sinh viên Hoàng Thị Kim Hồng đã ở lại trường làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Sinh học. Ngoài giảng dạy tại trường, cô còn dành nhiều thời gian vào nghiên cứu khoa học và hướng dẫn các sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh.

Các nghiên cứu của cô chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Nghiên cứu ứng dụng các loài thực vật chịu hạn; kỹ thuật tách chiết bào quan thực vật; phân tích hệ protein của ty thể/lục lạp thực vật và triển khai nghiên cứu, phát triển các loại cây có giá trị kinh tế như: lúa kháng rầy, cây nha đam, lan hồ điệp, sen Huế... Nhiều đề tài đã được triển khai ứng dụng vào thực tiễn.

Năm 2017, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Thị Kim Hồng cùng các cộng sự tại Trường Đại học Khoa học bắt tay thực hiện đề tài "Nghiên cứu khai thác và phát triển các giống sen Huế."

Đề tài sử dụng kỹ thuật mã vạch DNA để xác định đa dạng di truyền kiểu gen của các giống sen Huế, kết hợp với các dữ liệu điều tra, sơ đồ phân bố, đa dạng di truyền kiểu hình, khả năng sinh trưởng, phát triển, đặc điểm nông-sinh học, năng suất và chất lượng của các giống sen nghiên cứu để xây dựng đầy đủ cơ sở dữ liệu về các giống sen Huế. Đồng thời, đề tài kết hợp nhân giống để phục hồi, bảo tồn, khai thác, phát triển và định hướng sử dụng bền vững nguồn gen quý của loại cây này.

Kết quả của đề tài đã xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn phân bố và nguồn giống của các giống sen Huế; tuyển chọn các giống triển vọng; thiết lập bộ mẫu ảnh các giống sen Huế qua các giai đoạn sinh trưởng phát triển theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Sen Quốc tế IWGS. Đặc biệt, đề tài đã công bố quốc tế và được cấp mã số truy cập của 330 đoạn gen sen Huế trên ngân hàng gen.

Thành công của đề tài đã góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước, khôi phục các giống sen Huế trên hồ Tịnh Tâm, phường Thuận Thành, thành phố Huế. Nhóm nghiên cứu đã hợp tác phát triển mô hình trồng sen trên hệ thống đất hồ và đất ruộng tại các địa phương như Phong Điền, Phú Lộc, Hương Thủy...

Kết quả nghiên cứu đã góp phần tạo nguồn nguyên liệu để sản xuất, chế biến và phát triển các sản phẩm chủ lực từ sen Huế, phục vụ du lịch; đồng thời tạo việc làm và sinh kế cho người dân ở Thừa Thiên-Huế. Đề tài đã đạt Giải nhất Hội thi Sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Thừa Thiên-Huế lần thứ 10 năm 2020.

Một trong những nghiên cứu mà Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Thị Kim Hồng tâm đắc là "Ứng dụng Công nghệ sinh học trong nghiên cứu khai thác và phát triển cây giọt băng."

Cây giọt băng có tên tiếng Anh là Ice plant, hiện là loại rau xanh giàu dinh dưỡng chủ lực ở Nhật Bản. Loại cây này vừa có khả năng chịu hạn và chịu mặn nên nên cần nhân rộng, nhất là trong giai đoạn biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay.

Sau khi tiếp nhận nguồn hạt giống cây giọt băng do Giáo Sư Sakae Agarie, Trường Đại học Kyushu, Nhật Bản cung cấp, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Thị Kim Hồng dùng hạt giống nghiên cứu khoa học đồng thời ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào kết hợp công nghệ vi thủy canh để nhân giống loài cây này trong điều kiên phòng thí nghiệm, sau đó nghiên cứu trồng cây ngoài tự nhiên trên cả hai hệ thống trồng trên đất và trồng trên môi trường thủy canh.

[Người mẹ hiền thứ hai của những học sinh nghèo Gia Lai]

Kết quả của nghiên cứu đã xây dựng thành công quy trình nhân giống và sản xuất hạt giống. Sau khi thành công, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Thị Kim Hồng đã phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế), vùng trồng rau ở phường Kim Long và Công ty Thảo Vy sản xuất rau theo hướng công nghệ cao tại thành phố Huế để trồng, phát triển và khai thác giá trị kinh tế của cây giọt băng.

Từ đó, nguồn cây xanh giàu dinh dưỡng được phát triển và dược chất để đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, góp phần bổ sung thêm một loại rau thương thẩm có giá trị dinh dưỡng cao vào cơ cấu giống cây trồng ở Thừa Thiên-Huế. Hạt giống cây giọt băng được chuyển giao cho Công ty Đà Lạt Gap để tiếp tục nhân rộng và phát triển ở Việt Nam.

Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Thị Kim Hồng đã chủ trì thành công hai đề tài cấp nhà nước, một đề tài cấp bộ, một đề tài cấp tỉnh, cùng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có khả năng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của địa phương.

Nữ giảng viên say mê làm khoa học cho biết: "Hoạt động nghiên cứu khoa học chưa bao giờ là dễ dàng, phải đương đầu với những rào cản, đòi hỏi niềm đam mê, không ngừng nỗ lực và đầu tư chất xám. May mắn trên con đường đó, đồng hành cùng với tôi là những cộng sự và đối tác đầy tận tâm và đam mê."

Không ngừng nỗ lực

Để có được "những quả ngọt" như hôm nay, ngoài đam mê bản thân, giảng viên Hoàng Thị Kim Hồng đã không ngừng nỗ lực học tập, nghiên cứu.

Sau khi nhận công tác tại Trường Đại học Khoa học, cô tiếp tục theo đuổi con đường học tập của mình và đã nhận thêm một bằng cử nhân ngoại ngữ, chuyên ngành tiếng Anh; hai bằng thạc sỹ chuyên ngành hóa sinh-sinh lý thực vật từ Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) và chuyên ngành công nghệ học hệ thống của trường Đại học RMIT ở Australia; đạt được bằng tiến sỹ do Trường Đại học Kagoshima, Nhật Bản cấp.

Không những thế, cô luôn luôn tìm kiếm cơ hội sang nước ngoài du học để phát triển các hướng nghiên cứu khoa học mới và mở rộng kiến thức chuyên môn. Cô tham gia các khóa đào tạo sau tiến sỹ tại các trường đại học quốc tế như: Đại học Saga ở Nhật Bản, Đại học BOKU ở Áo; Đại học Vrije ở Bỉ và Đại học Reno Nevada ở Mỹ.

Nhớ lại khoảng thời gian học tập và nghiên cứu của mình, cô Hoàng Thị Kim Hồng chia sẻ, cả hai lần tham gia học tập ở Nhật Bản với tổng thời gian gần 8 năm, cô đều mang thai và sinh con nơi đất khách quê người ngay trước thời điểm bảo vệ luận án tiến sỹ và làm nghiên cứu sinh hậu tiến sỹ.

Nữ giảng viên Đại học Huế gieo mầm đam mê nghiên cứu khoa học ảnh 2Cô giáo Hoàng Thị Kim Hồng. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Đến nay, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Thị Kim Hồng đã xuất bản 5 cuốn sách và giáo trình chuyên ngành sinh học; công bố 136 công trình nghiên cứu; trong đó, có hơn 30 công trình đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín.

Cô đã được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Năm tặng Bằng khen về thành tích đoạt giải cao tại Giải thưởng Sáng Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2020; được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp Bằng Lao động sáng tạo.

Phó Giáo sư Kim Hồng chia sẻ, niềm vui lớn nhất trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học của cô là đã đào tạo, gieo mầm đam mê nghiên cứu khoa học đến các thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh và tạo môi trường để các em phát triển tốt nhất. Nhiều học sinh của cô đã đạt thành tích nghiên cứu xuất sắc, nhận được học bổng, độc lập phát triển những nghiên cứu khoa học của mình.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế Trần Hữu Dàng nhận xét: Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Thị Kim Hồng là tấm gương sáng về học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, cô là một trong 12 trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu của tỉnh năm 2021.

Là nhà giáo và nhà khoa học, cô đã chủ trì nhiều đề tài khoa học có khả năng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của địa phương. Thành tích của cô về nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những công bố quốc tế, đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên-Huế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục