Nửa thế kỷ xếp bút nghiên ra trận của những người chiến sỹ-sinh viên

Ngày 6/9/1971, gần 4.000 sinh viên của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp khu vực miền Bắc đã xếp bút nghiên, làm lễ xuất quân lên đường ra trận.
Nửa thế kỷ xếp bút nghiên ra trận của những người chiến sỹ-sinh viên ảnh 1Đã 51 năm trôi qua, kể từ ngày những sinh viên xếp bút nghiên ra trận trong lễ xuất quân ngày 6/9/1971. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Sáng nay, hơn 300 cựu sinh viên của các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp khu vực miền Bắc đã cùng hội ngội tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trong chương trình “Nửa thế kỷ xếp bút nghiên ra trận” của Hội sinh viên-chiến sỹ 6971.

Đúng ngày này cách đây 51 năm về trước, ngày 6/9/1971, gần 4.000 sinh viên của các trường khu vực miền Bắc đã xếp bút nghiên lên đường ra trận.

“Binh đoàn” 6971

Giữa sân trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, một bia tưởng niệm đã được dựng lên cuối năm 2021. Đó là bia tưởng niệm những liệt sỹ chiến sỹ-sinh viên đã lên đường nhập ngũ và hy sinh trong cuộc chiến đấu chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc.

"Chính tại sân trường này, cách đây 51 năm, chúng tôi, những chàng sinh viên tuổi đời còn rất trẻ, chỉ 18 đôi mươi, đã tập trung làm lễ xuất quân lên đường ra trận,” nhà báo Phùng Huy Thịnh, Chủ tịch Hội sinh viên chiến sỹ 6971, xúc động chia sẻ.

Trở về nơi lưu giữ ký ức của hơn nửa thế kỷ trước, nhà báo Phùng Huy Thịnh không khỏi bồi hồi nhớ về buổi lễ trang nghiêm năm nào: “Khi đó, tôi là một chàng sinh viên khoa văn. Trời cũng nắng như hôm nay. Giáo sư Ngụy Như Kon Tum, Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp, bước lên đài cao làm lễ xuất quân. Khi thầy đang đọc diễn văn thì bất ngờ một cơn gió mạnh nổi lên, ngọn cờ đỏ đang tung bay đột nhiên gây cán đổ xuống. Cả hội trường xôn xao. Nhưng thầy đã nhanh tay đón lấy lá cờ, bước xuống hàng quân trao cho một sinh viên. Hành động trao cờ của thầy như một biểu tượng gửi gắm niềm tin của nhân dân, đất nước cho chúng tôi, những sinh viên-chiến sỹ. Từ nỗi lo điềm dữ, chúng tôi bỗng thấy mình trong mình trào dâng tinh thần quyết tâm chiến đấu để xứng đáng với lá quốc kỳ.”

Nửa thế kỷ xếp bút nghiên ra trận của những người chiến sỹ-sinh viên ảnh 2Nhà báo Phùng Huy Thịnh bên đài tưởng niệm tại sân trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây cũng chính là nơi các sinh viên của Đại học Tổng hợp làm lễ xuất quân ra trận ngày 6/9/1971. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Viết đơn tình nguyện lên đường, những người lính-sinh viên mang theo tâm hồn lãng mạn và trái tim nóng bỏng và tinh thần sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc hồi sinh. Bác Lê Quốc Thành (Hà Nội) khi đó là sinh viên năm thứ hai Khoa Anh, Trường đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.

“Ngày đó Hà Nội bị vỡ đê, nước lụt trắng trời, nên chúng tôi đi rất ít người có người thân đưa tiễn. Nhưng tất cả đều hừng hực khí thế, tinh thần rất cao và cảm thấy tự hào khi được góp sức mình trực tiếp chiến đấu nơi chiến trường đang khốc liệt, để đất nước sớm hòa bình, thống nhất,” bác Thành xúc động nói.

Trải qua ba tháng huấn luyện, từ những sinh viên thư sinh, với tinh thần “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu,” họ đã quyết tâm tập luyện để nâng cao sức khỏe, vững kỹ thuật, kỹ năng chiến đấu.

“Sau ba tháng, chúng tôi được chia về các binh đoàn chủ lực. Tôi lên đường vào Quảng Trị, chiến đấu trực tiếp ở Thành Cổ. Đó là những ngày vô cùng gian khổ, cái chết cận kề, có những đơn vị vừa vào một vài ngày đã hy sinh gần như không còn ai, nhưng chúng tôi không lùi bước trước quân thù. Tôi bị thương, phải đưa ra tuyến sau điều trị. Nhưng điều trị xong lại tiếp tục trở về Thành Cổ, rồi lại tiếp tục bị thương với tỷ lệ thương tật 81%,” bác Thành bồi hồi kể.

Bồi hồi ngày hội ngộ

Là thương binh 1/4, bác Lê Quốc Thành cười bảo nhiều khi không hiểu bằng phép màu nào mình vẫn còn sống đến hôm nay khi chính bác sỹ phẫu thuật ngày đó đã động viên ông theo một cách rất đặc biệt: “Đằng nào đồng chí cũng chết.”

Cũng theo bác Thành, trong những năm qua, đúng ngày 6/9, năm nào những người lính-sinh viên cũng ngồi lại cùng nhau để ôn kỷ niệm xưa, để sẻ chia những buồn vui của cuộc sống hôm nay, san sẻ những khó khăn trong cuộc sống.

Nửa thế kỷ xếp bút nghiên ra trận của những người chiến sỹ-sinh viên ảnh 3Những người chiến sỹ-sinh viên hồ hởi khi gặp lại nhau trong ngày hội ngộ. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Năm 2021, kỷ niệm tròn 50 năm ngày lên đường, nhưng dịch COVID-19, hội đã không tổ chức được. Vì vậy, lần này, hội đã tổ chức quy mô hơn.

“Mấy ngày hôm nay, tôi hồi hộp đến mức nhiều khi không ngủ được, cảm xúc xốn xang trong lòng khi nghĩ đến bạn bè, đồng đội. Đặc biệt là buồn thương vô cùng khi nghĩ đến những người bạn đã hy sinh, nằm lại chiến trường, mãi mãi tuổi hai mươi. Đại đội tôi, những bạn khoa Pháp, khoa Nga đều hy sinh toàn bộ. Đa phần trong chúng tôi ngày ấy thậm chí còn chưa một lần yêu…” bác Thành chùng giọng nói.

Mong gặp lại bạn bè, đồng đội, từ Vũng Tàu, bác Nguyễn Đức Biểu đã vượt cả nghìn cây số ra Hà Nội để hôm nay có mặt tại Hà Nội. Ngày lên đường, bác Biểu mới là chàng sinh viên 18 tuổi, năm thứ nhất khoa Ngữ văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

[Công bố dự án Đài kỷ niệm sự kiện xếp bút nghiên ra trận]

“Được đến nơi mình đã từng học, đã từng là sinh viên, cũng là nơi mình cùng với các bạn Trường Đại học Tổng hợp và các trường khu vực miền Bắc xếp bút nghiên lên đường ra trận, tôi vô cùng xúc động. Chúng tôi ngày ấy là những chàng trai rất trẻ, rất yêu đời, lên đường một cách tình nguyện và vui vẻ, dù sẽ vào chiến trường và chưa biết ngày về…” bác Biểu bùi ngùi nói.

Những người sinh viên-chiến sỹ năm xưa, hàng trăm người đã mãi mãi nằm lại chiến trường, những cái tên mãi mãi tuổi hai mươi như Nguyễn Văn Thạc, Đinh Chí Dưỡng, Nguyễn Chí Thành… Những người trở về, nhiều người tiếp tục ở lại cống hiến trong quân đội, nhiều người tiếp tục học tập trở thành các giáo sư, tiến sỹ, nhà nghiên cứu…

Trong ngày hội ngộ, những người bạn học, người lính năm xưa đã cùng nhau ôn lại những tháng ngày đỏ lửa, cùng nhau dâng hương để tưởng nhớ tới các đồng đội, những người bạn đã mãi mãi ra đi.

Nhà báo Phùng Huy Thịnh cho hay, trong những năm 1970-1972, có nhiều đoàn sinh viên lên đường nhập ngũ, nhưng đợt ra quân ngày 6/9/1971 là đợt ra quân với số lượng lớn nhất. Vì thế, ngày 6/9/1971 đã được chọn để đặt thành tên Hội Sinh viên-chiến sỹ 6971.

“Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, đủ để những vết thương thành sẹo, liền da, nhưng chúng tôi vẫn luôn đau đáu về những người bạn còn chưa tìm được mộ phần,” nhà báo Phùng Huy Thịnh xúc động nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục