Đêm 19 đến rạng sáng 20/7, núi lửa Etna ở Italy - ngọn núi lửa cao nhất và hoạt động mạnh nhất ở châu Âu - đã phun trào những dòng nham thạch dài tới 1,5km và những cột khói bụi khổng lồ lên không trung.
Giới chức thành phố Catania, lớn thứ hai trên đảo Sicily, đã buộc phải yêu cầu đóng cửa hai sân bay do tro bụi cản trở tầm nhìn nghiêm trọng.
Các chuyên gia của Viện Địa vật lý và núi lửa Italy (INGV) cho biết Etna đã "thức giấc" từ tháng 12 năm ngoái, khiến Chính phủ Italy phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở 9 khu vực trên đảo Sicily. Lệnh tình trạng khẩn cấp có hiệu lực trong 12 tháng (từ 12/2018).
Vào thời điểm đó, núi lửa Etna hoạt động trở lại đã gây ra động đất có cường độ 4,8 xảy ra ở Catania, khiến nhiều tòa nhà bị hư hại. Hàng chục người bị thương và hàng trăm người phải đi sơ tán.
Núi lửa Etna, cao 3.330 m, có thể phun trào tro bụi và dung nham vài lần trong năm.
[Núi lửa mạnh nhất châu Âu thức giấc, Italy ban bố tình trạng khẩn cấp]
Trong khi đó, cùng ngày, khoảng 1.000 người dân sống gần núi lửa Ubinas ở miền Nam Peru đã được lệnh sơ tán khẩn cấp sau khi ngọn núi này bắt đầu phun các cột tro bụi lên không trung, ảnh hưởng tới ít nhất 8 khu vực dân cư.
Tổng thống Peru Martin Vizcarra đã ra lệnh sơ tán khẩn cấp trong phạm vi bán kính 25 km, và đánh giá tình hình tại khu vực là "chưa từng có trong nhiều năm qua."
Người dân tại các thị trấn gần núi lửa đã phải bịt mặt, mang khẩu trang, đeo kính khi ra đường do tro bụi dày đặc.
Viện Địa vật lý Peru dự báo núi lửa sẽ hoạt động mạnh mẽ trong những ngày tới. Núi Ubinas cao 5.672 mét và nằm ở vùng Moquegua, cách thủ đô Lima khoảng 1.200 km về phía Nam, đã hoạt động mạnh trong khoảng thời gian 2013-2016./.