Nước Đức cần 14 tỷ euro để xây dựng 4.800km đường ống vận chuyển khí thải CO2

Nước Đức cần có một cơ sở hạ tầng riêng biệt để thu gom lượng lớn CO2 tạo ra tại nhiều địa điểm sản xuất khác nhau trên khắp cả nước và vận chuyển đến các địa điểm lưu trữ trong tương lai.

Một nhà máy sản xuất ximăng tại Beckum, Đức. (Ảnh: AP)
Một nhà máy sản xuất ximăng tại Beckum, Đức. (Ảnh: AP)

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, một nghiên cứu do Hiệp hội các nhà sản xuất ximăng Đức (VDZ) phối hợp với một số ngành sản xuất khác thực hiện cho thấy nước Đức cần có mạng lưới đường ống dài 4.800km để vận chuyển khí thải CO2 phục vụ việc lưu trữ lâu dài loại khí thải này trong tương lai.

Cuối tháng Hai vừa qua, Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức công bố những điểm chính trong chiến lược quản lý carbon và dự thảo sửa đổi đạo luật lưu trữ CO2 của nước này.

Việc thu giữ và lưu trữ CO2 được thải ra trong hoạt động công nghiệp, đặc biệt là các ngành không thể tránh khỏi phát thải như sản xuất ximăng, vôi cũng như hoạt động đốt rác thải, là cần thiết trên lộ trình hướng tới trung hòa carbon.

Để có thể thu gom lượng lớn CO2 được tạo ra tại nhiều địa điểm sản xuất khác nhau trên khắp nước Đức và vận chuyển đến các địa điểm lưu trữ trong tương lai, cần phải có một cơ sở hạ tầng riêng biệt.

Theo ông Christian Knell, Chủ tịch Hiệp hội VDZ, việc phát triển cơ sở hạ tầng vận chuyển khí thải CO2 ở Đức là hết sức cần thiết đối với các ngành công nghiệp có lượng khí thải cao và không thể tránh phát thải.

Nghiên cứu của VDZ cho thấy mạng lưới đường ống vận chuyển CO2 mà nước Đức cần xây dựng có chiều dài tổng cộng tới 4.800km, với chi phí đầu tư khoảng 14 tỷ euro.

Cũng theo nghiên cứu, lượng khí thải CO2 không thể tránh khỏi từ ngành sản xuất ximăng, vôi và đốt rác thải hiện ở mức 66 triệu tấn mỗi năm.

Để so sánh, số liệu từ Cơ quan Môi trường liên bang Đức cho thấy năm ngoái, tổng lượng khí thải CO2 ở Đức vào khoảng 673 triệu tấn. Do đó, mục tiêu giảm phát thải tới 90% vào năm 2040 của Ủy ban châu Âu là rất tham vọng.

Chủ tịch Hiệp hội VDZ cho biết từ góc độ của các ngành bị ảnh hưởng, thời gian để phát triển cơ sở hạ tầng vận chuyển khí thải CO2 không còn nhiều. Các nhà sản xuất ximăng và các ngành khác phải hướng tới mục tiêu giảm phần lớn lượng phát thải vào năm 2040.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần có mạng lưới đường ống CO2 chậm nhất là năm 2035. Nhiều nhà sản xuất ximăng đang trong giai đoạn khởi đầu các dự án thu hồi khí thải, nhưng điều còn thiếu là khung pháp lý quốc gia và cơ sở hạ tầng vận chuyển phù hợp.

Ông Knell cũng cho rằng việc xuất khẩu khí thải CO2 để lưu trữ ở nước ngoài (trọng tâm là các khu vực đáy biển ngoài khơi của Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Anh ở Biển Bắc) không thể là giải pháp duy nhất.

Nước Đức cũng cần phải đóng góp cho việc phát triển cơ sở hạ tầng lưu trữ của châu Âu và chịu trách nhiệm về lượng khí thải CO2 của chính nước này. Do đó, ông cho rằng chiến lược quản lý carbon của Chính phủ Đức "đầy hứa hẹn" vì cho phép lưu trữ khí thải dưới đáy biển trong vùng biển của Đức, cũng như cho phép thiết lập hệ thống đường ống vận chuyển khí thải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.