Năm 2015 là một năm nhiều biến động với nước Đức, cũng là năm Berlin triển khai thực thi chính sách can dự tích cực hơn vào các vấn đề châu lục và toàn cầu, trở thành “đầu tàu” trong các nỗ lực giải quyết khủng hoảng.
Tại Hội nghị an ninh Munich đầu tháng 2, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã nhấn mạnh những trụ cột trong chính sách đối ngoại của Đức, gồm can dự tích cực hơn vào việc quản lý khủng hoảng và duy trì trật tự thế giới, đảm bảo an ninh châu Âu.
Chính sách này được thể hiện rõ trong các nỗ lực của Đức nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình Minsk để giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, hồ sơ hạt nhân Iran, khủng hoảng nợ Hy Lạp, cuộc nội chiến Syria, tích cực tham gia cung cấp vũ khí, huấn luyện cho lực lượng người Peshmerga ngăn chặn bước tiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và mới đây nhất là quyết định tham gia sứ mệnh quốc tế chống IS.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng người di cư là bài toán gai góc gây bất đồng, chia rẽ trong chính giới Đức cũng như giữa các nước châu Âu.
Cuộc khủng hoảng này sẽ còn kéo dài bởi quy mô và tính chất phức tạp của vấn đề. Không giống như các cuộc khủng hoảng khác, cuộc khủng hoảng người di cư liên quan tới nhiều quốc gia và châu lục, từ những nước có người di cư tới những nước mà người di cư tìm tới.
Trong bối cảnh hầu hết các nước châu Âu đều tìm cách hạn chế dòng người di cư, thì Đức lại đi đầu trong việc tiếp nhận người di cư với tuyên bố không hạn chế số người di cư vào nước này. Mới đây nhất, Berlin còn khẳng định sẽ không áp đặt mức trần tiếp nhận người di cư.
Chính sách trên được người di cư cũng như dư luận quốc tế hoan nghênh, song lại gây ra những bất đồng trong chính nước Đức cũng như các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU).
Tâm điểm của những lời khen-chê này là nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel. Theo quan điểm của nhà lãnh đạo Đức, trong bối cảnh rối ren như vậy, việc Đức đóng cửa với người di cư sẽ khiến tình hình phức tạp và nguy hiểm hơn, thậm chí có nguy cơ dẫn tới xung đột ở khu vực Balkan, một trong những tuyến đường chính để người di cư vào châu Âu.
Giới truyền thông cho rằng nguyên nhân khiến nước Đức mở rộng vòng tay với người tị nạn là do Berlin muốn thoát khỏi những ám ảnh của quá khứ khi chế độ Đức quốc xã tiến hành cuộc diệt chủng tàn bạo người Do Thái.
Tuy nhiên, với các nhà lãnh đạo Đức, đó không phải là lý do duy nhất.
Trong mọi hoàn cảnh, quốc gia đầu tàu châu Âu phải có trách nhiệm đi đầu trong việc giải quyết khủng hoảng, cũng để thể hiện chính sách can dự tích cực của nước lớn.
Bên cạnh đó, khủng hoảng người di cư cũng tạo ra những cơ hội cho chính nước Đức, đó là giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động ở nhiều ngành nghề trong bối cảnh dân số ngày càng già hóa.
Vai trò tiên phong của Đức trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư được thể hiện ở các đề xuất như tăng cường bảo vệ khu vực ngoại khối, phối hợp với Italy và Hy Lạp lập các cơ sở đăng ký và tiếp nhận tị nạn, từ đó phân bổ hạn ngạch tiếp nhận tới các nước trong khối.
Chính sách của Đức "mở rộng vòng tay" với người tị nạn đã tạo ra sự chia rẽ trong chính các đảng cũng như trong liên minh cầm quyền ở Đức, trong đó mâu thuẫn giữa hai đảng kết nghĩa là Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) đang ở mức cao chưa từng có, thậm chí đe dọa sự tồn tại của mối quan hệ này.
Bên cạnh đó, xu hướng bài ngoại, tư tưởng dân tộc, cực hữu đang trỗi dậy tại nhiều địa phương ở Đức. Cùng với đó, uy tín cá nhân của nữ Thủ tướng Merkel cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, một nghịch lý là khi uy tín tại Đức của nhà lãnh đạo Merkel bị sụt giảm thì uy tín của bà trên trường quốc tế lại ở mức cao hơn bao giờ hết. Tạp chí Time của Mỹ, Financial Times (Anh) và hãng tin AFP (Pháp) đều tôn vinh Thủ tướng Merkel là nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2015.
Trước đó, tạp chí danh tiếng của Mỹ Forbes cũng bầu chọn bà Merkel là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm thứ 5 liên tiếp.
Những thành công của Thủ tướng Merkel trong năm qua - năm khó khăn nhất trong 10 năm liên tục cầm quyền của bà, là điều không thể phủ nhận.
Dưới sự dẫn dắt của nữ chính khách lão luyện này, nước Đức đã đạt cân bằng ngân sách trong hai năm 2014-2015 và dự kiến năm 2016 sẽ tiếp tục giữ được kết quả này cho dù Berlin đã tiếp nhận trên 1 triệu người di cư trong năm nay.
Đã quá nửa nhiệm kỳ trôi qua và những thách thức vẫn đang chờ đợi Thủ tướng Merkel trong năm 2016. Cuộc chiến chống khủng bố, bài toán người di cư, đặc biệt là việc hòa nhập người tị nạn vào xã hội Đức, sẽ vẫn là những ưu tiên hàng đầu cần giải quyết của Berlin.
Khẩu hiệu "Chúng ta sẽ làm được" của “bà đầm thép” Merkel như một lời khẳng định rằng nước Đức sẽ thành công với những chính sách đối nội, đối ngoại của mình và tiếp tục khẳng định vai trò “đầu tàu” trong các vấn đề khu vực và quốc tế./.