Nước lần đầu được phát hiện trên bề mặt của nhiều thiên thạch

Một nhiệm vụ của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) dù bị hủy bỏ từ năm 2022 nhưng vẫn giúp các nhà khoa học phát hiện ra sự tồn tại của nước trên bề mặt của hai thiên thạch.

Nước đã được phát hiện trên bề mặt của hai thiên thạch. (Nguồn: Sci.News)
Nước đã được phát hiện trên bề mặt của hai thiên thạch. (Nguồn: Sci.News)

Các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Tây Nam của Mỹ, sử dụng dữ liệu từ SOFIA (Đài quan sát Thiên văn Hồng ngoại Tầng bình lưu) - một dự án do NASA hợp tác với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Đức - đã phát hiện ra các phân tử nước có trên nhiều thiên thạch.

Trước đây, các nhà khoa học cũng đã nhận dạng được một số mẫu hydro trên các thiên thạch, nhưng không thể phân biệt được nước và "họ hàng hóa học" gần nhất của nó là hydroxyl.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã xem xét 4 thiên thạch khác nhau với giành phần giàu silicat, một vật liệu chứa cả silicon và oxy cùng những phân tử khác.

Trong số chúng, 2 thiên thạch được xác định có nước trên bề mặt. Loại thiên thạch này có xu hướng đi tới gần Mặt trời. Vì thế, việc tìm hiểu thêm về chúng có thể giúp chúng ta biết được rằng vật chất trong vũ trụ đã được phân phối và biến đổi như thế nào.

Nhà khoa học Anicia Arredondo thuộc Viện Nghiên cứu Tây Nam, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trong một bài báo đăng trên Tuần báo khoa học Planetary Science: “Các thiên thạch là tàn dư của quá trình hình thành hành tinh. Vì vậy, thành phần của chúng thay đổi dựa vào nơi chúng đã được hình thành trong tinh vân mặt trời”.

Theo lời Arredondo, việc phát hiện ra các phân tử nước trên thiên thạch có thể giúp các nhà khoa học hiểu được vì sao Trái đất của chúng ta là hành tinh nhiều nước như hiện nay. Nó cũng có thể giúp mang tới thông tin về việc nước đã được phân bổ ra sao trong các hệ hành tinh khác, từ đó tăng khả năng tìm kiếm sự sống ngoài Thái dương hệ của chúng ta.

Được biết người ta cũng đã tìm thấy dấu vết của một lượng nước trên Mặt trăng, đủ để đổ đầy một chai nước có dung tích khoảng 358ml. Các phân tử nước này bị mắc kẹt lại trong khoảng một mét khối đất trải rộng trên bề mặt Mặt trăng và bị "khóa chặt" về mặt hóa học với các phân tử khoáng cũng như những vật chất khác của đất Mặt trăng.

Arredondo cho biết nước tìm thấy trên các trên các thiên thạch kể trên cũng có điểm tương đồng với nước tìm thấy trên Mặt trăng, theo đó chúng cũng bị khóa chặt bởi các liên kết hóa học với những khoáng chất khác của thiên thạch.

Các nhà nghiên cứu hiện đang có ý định xem xét thêm 30 thiên thạch khác, để nâng cao hiểu biết của nhân loại về sự phân bố của nước trong Thái dương hệ. Trong nghiên cứu mới, nhóm sẽ sử dụng Kính viễn vọng Không gian James Webb để có thể tìm hiểu kỹ hơn về một số thiên thạch trong nhóm 30 thiên thạch mục tiêu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.