Nước Mỹ bước vào "kỷ nguyên bãi bỏ" dưới thời ông Trump

Cùng với tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, đa số nghị sỹ Cộng hòa trong Quốc hội bắt đầu bãi bỏ những quy định thời cựu Tổng thống Barack Obama vốn bị các doanh nghiệp lớn phản đối.
Nước Mỹ bước vào "kỷ nguyên bãi bỏ" dưới thời ông Trump ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp ở Washington, DC. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cùng với tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, đa số nghị sỹ đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ bắt đầu bãi bỏ những quy định thời cựu Tổng thống Barack Obama vốn bị các doanh nghiệp lớn phản đối như việc thải khí metan, sử dụng súng, ô nhiễm nguồn nước, thị trường Phố Wall.

Ngay khi vừa nhậm chức, vị Tổng thống tỷ phú của đảng Cộng hòa đã ký một sắc lệnh "đóng băng" bất kỳ quy định mới nào gần được hoàn tất, đồng thời yêu cầu với mỗi luật lệ mới được thực thi thì hai luật lệ cũ phải bị loại bỏ.

Tuyên bố tại một cuộc họp ở Nhà Trắng với các lãnh đạo kinh doanh ngày 23/1 vừa qua, ông Trump nhấn mạnh: “Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể cắt giảm đến 75% các quy định hoặc hơn.”

Cho dù những thông tin chi tiết vẫn còn mơ hồ (chưa rõ con số này là 75% số trang trong các quy định hay 75% chi phí), chúng vẫn phản ánh ý định rõ ràng của đa số nghị sỹ Cộng hòa là đáp ứng nhu cầu của các nhóm lợi ích đã đầu tư hàng trăm triệu ​USD cho việc vận động hành lang và đóng góp cho chiến dịch tranh cử tổng thống.

Robert Weissman, Chủ tịch Tổ chức phi lợi nhuận Public Citizen, nói với AFP: “Mỗi ngày trải qua đều là Giáng sinh của những doanh nghiệp lớn trong chính quyền Donald Trump.” Tổ chức vận động hành lang phi lợi nhuận của ông Weissman đang đệ trình một kháng cáo để phản đối sắc lệnh về những quy định này.

Thực tế, ông Trump có thể trì hoãn các quy định như vậy - những quy định vốn đã trải qua quá trình xem xét kéo dài nhiều năm - nhưng ông không thể xóa bỏ chúng. Tuy nhiên, các lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Quốc hội đã nhắc lại một điều luật ban hành năm 1996 và hiếm khi được sử dụng, theo đó cho phép họ thu hồi những quy định được hoàn tất trong sáu tháng cuối cùng của chính quyền tiền nhiệm thông qua một cuộc bỏ phiếu. Nhờ đó, họ đã tập trung vào việc bãi bỏ các điều sau:

- Điều luật khiến các công ty khai thác mỏ gặp khó khăn hơn trong việc đổ chất thải ra các con sông, suối;

- Điều luật chống tham nhũng yêu cầu các công ty dầu khí và khai thác mỏ công khai những khoản thanh toán với Chính phủ nước ngoài, bao gồm các loại thuế và tiền thuê địa điểm;

- Điều luật yêu cầu các công ty dầu khí khoan thăm dò trên đất công phải giảm thiểu những rò rỉ khí metan - một loại khí giữ nhiệt dẫn đến sự nóng lên toàn cầu;

- Điều luật kiểm soát súng đạn không để lọt vào tay những người thiểu năng trí tuệ.

Về phần mình, ông Trump đã ký một sắc lệnh nhằm loại bỏ những cải cách hệ thống tài chính của đạo luật Dodd-Frank được thông qua sau cuộc suy thoái kinh tế năm 2008, cũng như cái được gọi là “đạo luật ủy quyền” yêu cầu các cố vấn tài chính phải hoạt động dựa trên lợi ích các khách hàng của họ.

Mục đích của các điều luật là như nhau: ít điều lệ hơn có nghĩa là những công ty phải bỏ ra ít chi phí hơn và theo chính giới Mỹ thì cả người tiêu dùng cũng sẽ được lợi.

Những điều luật này đã được các tổ chức kinh doanh lớn như tổ chức Freedom Partners Chamber of Commerce nhắm đến. Tổ chức này đã cáo buộc Chính quyền Obama áp đặt quá nhiều chi phí, ràng buộc vào các công ty, đặc biệt là thông qua những luật lệ bảo vệ môi trường mới đầy khắt khe.

Những quy định mang tính bước ngoặt giống như trong Chương trình Năng lượng sạch - chương trình buộc các nhà máy sản xuất năng lượng bằng nhiên liệu than phải giảm lượng khí thải carbon (CO2) - cũng đang được đưa ra tòa án xem xét.

Paul Schlegel, Giám đốc về chính sách năng lượng và môi trường của Liên đoàn các trang trại Mỹ, đánh giá: “Tám năm qua đã là một thách thức.” Ông cho rằng nông dân hiện đang cảm thấy có một chút “hy vọng.”

Hàng chục nhóm kinh doanh từ mọi lĩnh vực kinh tế hiện đang tạo ra nhiều áp lực cho Quốc hội nhằm làm suy yếu sức mạnh của các cơ quan liên bang. “Chúng tôi sẽ ủng hộ những tín hiệu cải cách các quy định được gửi đi từ Chính quyền Trump," theo Lowell Randel, Phó Chủ tịch Liên minh chuỗi công ty đông lạnh toàn cầu (GCCA), nơi đại diện cho 1.300 công ty liên quan đến việc lưu trữ và vận chuyển hàng đông lạnh.

Chính quyền Trump cũng có thể chọn việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bên thực thi, chẳng hạn như giảm thiểu những đợt kiểm tra chất lượng và độ an toàn tại chỗ, hoặc hướng dẫn các cơ quan liên bang ban hành các cảnh báo nhưng phạt ít hơn. Trang web Inside EPA - dịch vụ tin tức chuyên cung cấp thông tin về hoạt động của các cơ quan liên đoàn - cho biết bộ phận thi hành của Cơ quan bảo vệ môi trường thậm chí có thể phải ngừng hoạt động.

Một người trong nhóm trang trại cho biết: “Chúng tôi không mong đợi sự khoan dung, song nếu có sự cam kết mang tính xây dựng nhiều hơn, chúng tôi nghĩ rằng đó sẽ là một bước đi tích cực.”

Với những nghị sỹ đảng Dân chủ chiếm thiểu số trong Quốc hội hiện nay, nhiều khả năng họ cùng các nhóm phi lợi nhuận ủng hộ cho việc bảo vệ môi trường và người tiêu dùng sẽ đi đầu trong việc chống lại sự bãi bỏ các quy định của chính quyền trước.

Bốn năm tới có thể sẽ chứng kiến sự xuất hiện những phong trào "kháng cự" lâu dài, và các tòa án sẽ là những “chiến trường” được ưa chuộng.

Rebecca Buckwalter-Poza tại Trung tâm Tiến Bộ Mỹ, dự đoán: “Sẽ có những thách thức pháp lý cho mỗi lần bãi bỏ các quy định. Sẽ có rất nhiều trở ngại, và khi đó những quy định cũ sẽ không được thực thi, còn các quy định mới thì không thể được tạo ra”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.