Nước Pháp căng thẳng do các cuộc biểu tình bạo loạn ở Paris

Ngày 14/6, có tới 40 người bị thương, hàng chục người bị bắt giữ khi xảy ra đụng độ giữa cảnh sát và các đối tượng gây rối bịt mặt tham gia các cuộc biểu tình quy mô lớn ở thủ đô Paris.
Nước Pháp căng thẳng do các cuộc biểu tình bạo loạn ở Paris ảnh 1Người biểu tình quá khích xung đột với cảnh sát tại thủ đô Paris, Pháp ngày 14/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 14/6, đã có tới 40 người bị thương và hàng chục người bị bắt giữ khi xảy ra đụng độ giữa cảnh sát và các đối tượng gây rối bịt mặt tham gia các cuộc biểu tình quy mô lớn tại thủ đô Paris nhằm phản đối các cải cách trong dự luật lao động mới của Chính phủ Pháp.

Để biểu dương lực lượng, giới công đoàn Pháp kêu gọi người dân xuống đường. Vào lúc Thượng viện Pháp bắt đầu xem xét dự luật lao động mới, nghiệp đoàn CGT cho biết có hơn 50 cuộc biểu tình trên toàn quốc trong "ngày hành động 14/6."

Tại Paris, tổ chức công đoàn CGT huy động 600 xe buýt chuyên chở người biểu tình từ khắp đất nước về thủ đô Paris. Số người biểu tình dự kiến vượt kỷ lục hôm 31/3 vừa qua mà theo các nhà tổ chức cho biết có khoảng 1,2 triệu người tham gia, trong đó riêng thủ đô Paris là 80.000 người.

Ở khu vực phía Nam của thủ đô Paris, hàng trăm đối tượng đeo mặt nạ đã ném các đồ vật, thậm chí cả các tấm kệ xếp hàng bằng gỗ, về phía cảnh sát chống bạo động, gây cảnh tượng đổ máu. Trong số 40 người bị thương có 29 nhân viên an ninh.

Nhiều nhóm khác đã tấn công một tòa nhà, đập phá cửa sổ các cửa hàng và các ngân hàng. Nhiều đối tượng gây rối cũng đã phóng hỏa 3 ôtô trên đường phố Paris. Trước tình hình này, cảnh sát đã phải sử dụng vòi rồng để trấn áp những kẻ gây rối.

Hoạt động biểu tình và đình công tại khắp các tuyến phố trên toàn nước Pháp ngày 14/6 cũng đã khiến hệ thống giao thông vận tải bị đình trệ và buộc chính quyền thủ đô Paris phải đóng cửa Tháp Eiffel.

Đây là các cuộc biểu tình mới nhất kể từ khi nổ ra biểu tình hồi tháng Ba năm nay nhằm phản đối những cải cách đầy tranh cãi liên quan dự luật lao động mà chính phủ đưa ra với nội dung tạo điều kiện cho giới chủ sử dụng lao động trong tuyển dụng và sa thải nhân viên.

Cùng với việc đối phó với làn sóng biểu tình của người dân, nhà chức trách Pháp cũng đang phải "gồng mình" ngăn chặn các cuộc đụng độ, va chạm giữa các nhóm cổ động viên đang tham dự giải Vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2016), cũng như đề phòng nguy cơ khủng bố khi mà hàng chục nghìn người hâm mộ vẫn tiếp tục đổ tới nước này để theo dõi các trận đấu bóng đá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.