Theo Cơ quan Khí tượng Pháp (Meteo-France), 3 đợt nắng nóng hoành hành tại Pháp từ tháng Sáu đến nay đã khiến nước này trải qua một mùa Hè có nhiều ngày nắng nóng nhất, mức nhiệt trung bình cả mùa cũng đứng thứ 2 trong lịch sử thu thập dữ liệu từ năm 1900.
Trong báo cáo công bố ngày 30/8, Meteo-France cho biết nhiệt độ các ngày liên tục duy trì trên mức bình thường trong suốt mùa Hè năm nay, với ngày nóng kỷ lục là ngày 17/8 khi nhiệt độ lên tới 37,6 độ C.
Với 33 ngày nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ trung bình các tháng Sáu, Bảy và Tám vừa qua tại Pháp cao hơn 2,3 độ C so với mức thường ghi nhận trong giai đoạn 1991-2020.
[Thế giới đang tiến gần đến mức tăng nhiệt độ toàn cầu thêm 3 độ C]
Mức nhiệt trên chỉ xếp sau mức ghi nhận trong mùa Hè năm 2003 khi hầu như toàn bộ nước Pháp bất ngờ trước đợt nắng nóng thiêu đốt kéo dài. Hậu quả là gần 15.000 người đã thiệt mạng, chủ yếu là người cao tuổi.
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng nhiệt độ tăng cao là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Meteo-France lưu ý rằng trong 8 mùa Hè gần nhất tại Pháp thì có 6 mùa nằm trong số 10 mùa Hè nóng nhất từng được ghi nhận.
Giám đốc nghiên cứu của cơ quan trên, Samuel Morin, cho biết đến năm 2050, Pháp sẽ có thêm hàng chục mùa Hè nóng tương đương hoặc thậm chí nóng hơn.
Nắng nóng cũng kéo theo hàng loạt vụ cháy rừng trên cả nước Pháp trong mùa Hè này, trong đó phải kể đến vụ cháy lớn kéo dài 1 tháng ở khu vực Tây Nam, thiêu rụi 20.000ha đất.
Chưa dừng lại ở đó, nắng nóng cũng dẫn tới hạn hán kỷ lục khiến giới chức Pháp phải áp dụng biện pháp hạn chế sử dụng nước trên diện rộng, trong đó tháng Bảy vừa qua là tháng khô hạn nhất tại Pháp kể từ năm 1961.
Theo Meteo-France, tháng Bảy là tháng khô hạn và nắng nóng bất thường, lượng mưa ít, nhiệt độ cao đã khiến mặt đất khô cằn chưa từng thấy trong giai đoạn từ giữa tháng Bảy đến giữa tháng Tám.
Đầu tuần này, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đánh giá mùa Hè năm nay là một hồi chuông cảnh báo rõ ràng về hậu quả của biến đổi khí hậu, đồng thời đề ra những ưu tiên cho chương trình nhằm triển khai các nỗ lực quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng thân thiện với môi trường./.