Nước sinh hoạt nhiễm mặn, thành phố Đà Nẵng vất vả ứng phó

Liên tục trong những ngày qua, mặn đã xâm nhập sâu vào cửa sông Cầu Đỏ khiến nguồn nước thô tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng.
Nước sinh hoạt nhiễm mặn, thành phố Đà Nẵng vất vả ứng phó ảnh 1Từ ngày 12/6 đến nay, nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng. (Nguồn: dangcongsan.vn)

Liên tục trong những ngày qua, mặn đã xâm nhập sâu vào cửa sông Cầu Đỏ khiến nguồn nước thô tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng, vì vậy, việc huy động và xử lý nước phục vụ sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng rất khó khăn.

Cùng với đó, một số tuyến đường ống đã sử dụng lâu ngày dẫn đến tình trạng đục nước cục bộ. Chính quyền thành phố Đà Nẵng đang vất vả trong việc ứng phó với nhiễm mặn để cung cấp đủ nguồn nước cho người dân trên địa bàn.

Theo số liệu thống kê từ ngày 2/2 đến nay, sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, độ mặn có xu hướng tăng dần và ngày càng duy trì ở mức cao, độ mặn cao nhất là 1.433 mg/l (vào lúc 8 giờ ngày 15/2). Đặc biệt từ ngày 15/2, độ mặn thường xuyên vượt ngưỡng 1000 mg/1.

[Đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho Đà Nẵng khi sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn]

Để đảm bảo cấp nước cho thành phố, Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã vận hành bơm phòng mặn An Trạch với công suất phù hợp tùy theo độ mặn tại cửa thu nước sông cầu Đỏ.

Mặc dù Dawaco đã thông tin là nước đạt tiêu chuẩn cho phép, nhưng thực tế tại một số địa bàn như quận Cẩm Lệ, quận Thanh Khê..., người dân khi xả vòi lấy nước sinh hoạt phát hiện nhiều cặn đen, nước uống vào thấy vị lợ. Người dân đã dùng khăn, màng lọc bịt đầu vòi sử dụng, sau đó phát hiện màng lọc, khăn bị ám đen.

Trả lời về lo ngại của khách hàng liên quan đến hiện tượng mẫu nước họ dùng khăn ướt, bông gòn bịt đầu vòi sử dụng trong một khoảng thời gian thì có cặn màu đen được giữ lại, Phó Tổng Giám đốc Dawaco Hồ Minh Nam cho biết bước đầu bộ phận chuyên môn của Công ty nhận định nguyên nhân có thể do bị đục cục bộ tại một số tuyến ống có chất lượng kém (ống thép, ống gang... được sử dụng lâu năm).

Đối với nước sau xử lý tại các nhà máy vẫn còn một hàm lượng cặn lơ lửng trong giới hạn cho phép với độ đục <2 NTU. Lượng cặn này khi được lọc lại qua bông gòn hoặc vải mịn sau một khoảng thời gian nhất định với lượng nước qua khá lớn, cặn sẽ được giữ lại.

Để đảm bảo chất lượng nước trên mạng lưới trong thời gian tới, Dawaco tăng cường công tác lấy mẫu kiểm tra chất lượng nước mạng lưới; tăng cường xúc xả mạng lưới đường ống và có phương án thay thế đường ống kém chất lượng đã dùng lâu năm. Trong thao tác mạng lưới tránh gây xáo trộn lớn trong đường ống để hạn chế xảy ra các hiện tượng trên.

Đây chưa phải là thời gian cao điểm về nhu cầu sử dụng nước của thành phố Đà Nẵng. Năm 2019 được dự đoán là năm có thời tiết khắc nghiệt, khó lường, chắc chắn đến mùa khô, việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân trên địa bàn càng khó khăn hơn.

Để sớm giải quyết vấn đề thiếu nguồn nước ngọt thô cung cấp cho các nhà máy nước trên địa bàn, Ủy ban Nhân dân thành phố giao các sở, ngành chức năng sớm triển khai giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân thành phố. Trước mắt, đơn vị chức năng tăng cường tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến hoạt động cấp nước sạch, tăng cường kiểm tra mạng lưới đường ống cấp nước hiện trạng và triển khai cải tạo, thay thế tuyến ống xuống cấp, kém chất lượng. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đẩy mạnh công tác tuyên truyền sử dụng nước tiết kiệm.

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng chỉ đạo đơn vị chức năng tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành Dự án nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ (giai đoạn 1 với công suất 60.000 m3/ngày, đêm) và Dự án Nhà máy nước hồ Hòa Trung (10.000 m3/ngày đêm), phấn đấu hoàn thành trong tháng 3/2019; đầu tư nâng công suất Trạm bơm phòng mặn An Trạch và tuyến ống nước thô dẫn về Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Trước mắt, thành phố triển khai tuyến ống Diuke qua sông Cầu Đỏ, hoàn thành trong tháng 5/2019; triển khai xây dựng đập tạm trên sông Quảng Huế để tăng lưu lượng nước thô dẫn về sông Yên. Cùng với đó, thành phố tiến hành làm việc và đề nghị các chủ hồ chứa thủy điện phía thượng nguồn xả nước về sông Yên với lưu lượng phù hợp, đảm bảo khống chế độ mặn tại cửa thu nước Nhà máy nước Cầu Đỏ dưới 900 mg/l; đầu tư các tuyến ống cấp nước chính, kịp thời truyền tải nước sạch đến khu vực có áp lực yếu. Đặc biệt, thành phố triển khai phương án tái sử dụng nước thải sau xử lý để dùng cho mục đích tưới cây, rửa đường; xây dựng kịch bản ứng phó cụ thể, chi tiết đối với từng sự cố, đảm bảo mục tiêu cấp nước an toàn...

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị xây dựng trạm quan trắc cảnh báo sớm về độ mặn; kiến nghị điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; đầu tư trạm bơm tăng áp theo quy hoạch được duyệt...

Về giải pháp lâu dài, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Dawaco phối hợp với các đơn vị tiếp tục đầu tư xây dựng Dự án nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ thêm 60.000 m3/ngày, đêm (giai đoạn 2); đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1 (công suất 120.000 m3/ngày, đêm), hoàn thành vào cuối năm 2020 và tiếp tục nghiên cứu giai đoạn 2 (thêm 120.000 m3/ngày, đêm) theo quy hoạch cấp nước đã được phê duyệt.

Ngoài ra, thành phố tiếp tục đầu tư các tuyến cấp nước chính theo Dự án mở rộng hệ thống cấp nước Đà Nẵng. Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng cũng sẽ đầu tư thêm các tuyến ống phân phối để đưa nước đến điểm tiêu thụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục