Nước thải Formosa: Kế hoạch xả ra sông Quyền, vận hành lại đổ ra biển?

Formosa có được phép xả nước thải theo đường ống ngầm ra biển hay không? Cùng một cơ quan quản lý nhưng Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường lại có những phát ngôn khác nhau.
Nước thải Formosa: Kế hoạch xả ra sông Quyền, vận hành lại đổ ra biển? ảnh 1Người dân chứng kiến cơ quan chức năng, kiểm tra, chứng thực nguồn gốc hải sản. (Ảnh: Thành Thọ/Vietnam+)

Xung quanh hiện tượng cá chết bất thường hàng loạt và vấn đề xả thải ở ven biển miền Trung, tại cuộc Tọa đàm “Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức sáng 10/5, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng công tác quản lý chất thải công nghiệp hiện nay đang có vấn đề.

Dẫn ra câu chuyện môi trường ở Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa thuộc Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), ông Võ cho biết, ngay như việc nhận định Formosa có được phép xả nước thải theo đường ống ngầm ra biển hay không, cùng một cơ quan quản lý nhưng Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường lại có những phát ngôn khác nhau.

“Trong khi Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định Formosa được phép xả thải thì sau đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà lại quả quyết Formosa không được phép xả thải. Giả sử, nếu Formosa được phép xả thải, nhưng cơ quan quản lý không giám sát được chất thải thì môi trường sẽ ra sao?” ông Võ đặt câu hỏi.

Ông Võ cũng cho biết, theo kế hoạch ban đầu, nước thải dự án Formosa sẽ xả ra sông Quyền nhưng khi đi vào vận hành lại đổ ra biển. Vậy Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh ở đâu, và họ có giám sát trong quá trình doanh nghiệp xây dựng dự án?

“Một dự án có quy mô lớn như Formosa mà cơ quan quản lý môi trường ở Hà Tĩnh lại không giám sát thường xuyên, không kết nối giữa trung ương và địa phương để nắm tình hình. Hay nói cách khác Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh chưa làm hết trách nhiệm trong quản lý,” ông Võ nói.

Ông Võ cũng lưu ý, tuy đến thời điểm này cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân cá chết hàng loạt ven biển miền Trung, nhưng dư luận có quyền đặt nghi vấn Formosa. Lý do là, công nghiệp thép, nhiệt điện để ven biển sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước biển.

“Tôi có cảm giác chúng ta vẫn nóng lòng về chuyện phát triển kinh tế nhiều hơn là bảo vệ môi trường. Có thể chúng ta cũng đã thấy được môi trường là vấn đề lớn nhưng thực tế vẫn chưa thể hiện được sự quan tâm đúng mực. Với những vụ việc gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, chúng ta lại cứ coi là việc đã rồi, kể cả sự vụ Vedan trước đây xả thải ra sông Thị Vải. Do đó, sự việc cá chết hàng loạt ở ven biển một số tỉnh miền Trung là hồi chuông cảnh tỉnh về ý thức bảo vệ môi trường của Việt Nam,” ông Võ nói.

[Vụ cá chết hàng loạt: “Nín thở” chờ kết luận từ cơ quan chức năng]

Nước thải Formosa: Kế hoạch xả ra sông Quyền, vận hành lại đổ ra biển? ảnh 2Ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công thương phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trên phương diện là người vừa tham gia đoàn công tác liên ngành kiểm tra môi trường ở Khu kinh tế Vũng Áng, ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), cho rằng việc ban bành các quy định, công cụ giám sát môi trường đã nhiều và chặt chẽ, nhưng thực tiễn thực hiện kiểm tra, giám sát lại còn rất nhiều bất cập.

Ông Sinh nhận xét, trừ những doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, châu Âu có ý thức tuân thủ về quy trình xả thải thì còn lại những doanh nghiệp đến từ châu Á như Trung Quốc, Đài Loan và kể cả Việt Nam... ý thức lại kém hơn nhiều.

Lý giải rõ hơn nhận định trên, ông Sinh cho rằng do việc đầu tư cho hệ thống xử lý rất thải chiếm chi phí rất cao, xây dựng đắt đỏ, vận hành khó khăn nên có những nhà máy buổi ngày cho vận hành hệ thống xử lý thải nhưng tối lại cho xả trộm.

“Riêng với trường hợp tại Formosa, tôi suy nghĩ là vì sao chúng ta không có cơ quan kiểm soát trung gian như cảnh sát môi trường hay người dân, mọi người hoàn toàn có thể kiểm tra được. Còn việc xây dựng hệ thống quan trắc online, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được,” ông Sinh nói.

Đánh giá về xây dựng quy hoạch môi trường, Phó Cục trưởng cục Hóa chất cho rằng, gần như chúng ta đua nhau xây dựng quy hoạch rất nhiều nhưng thực thi còn rất nhiều khiếm khuyết. Cụ thể là, nhiều địa phương đang lờ đi, coi như không biết quy hoạch ngành. Nhiều dự án không nằm trong quy hoạch ngành song địa phương vẫn ký, cho phép đầu tư.

Từ góc độ cơ quan quản lý môi trường, ông Trần Thế Loãn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng để đáp ứng yêu cầu thực tế thì công cụ giám sát môi trường hiện nay chưa đạt do chưa đánh giá được sức chịu tải của môi trường từng khu vực.

“Có thể khi khu vực đó có một nhà máy thì sẽ đáp ứng được nhưng thêm một nhà máy khác thì sẽ ngay lập tức phá vỡ sức chịu tải môi trường ở đó,” ông Loãn nói.

Ông Loãn cũng nhận định, “chuyện xả trộm là có nhưng tôi đảm bảo là tỉ lệ phát hiện được là thấp hơn thực tế. Theo đó, điều này phụ thuộc vào đạo đức kinh doanh, ý thức với cộng đồng của các doanh nghiệp.”./

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục