Nuôi cá lồng kết hợp du lịch cho lợi nhuận đến 400 triệu đồng mỗi năm

Du khách rất thích thú khi tận mắt nhìn những đàn cá bơi lượn dưới làn nước trong xanh. Càng thú vị hơn khi họ được tự tay cho cá ăn, đàn cá ngoi lên tranh mồi, quẫy đuôi nước văng tung tóe.
Ông Trần Văn Tân ở ấp Bãi Ngự, xã đảo Thổ Châu cho cá bớp ăn. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Nhận thấy địa phương có thế mạnh về nguồn lợi nuôi trồng thuỷ sản, nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng bè kết hợp phát triển du lịch, mang lại nguồn thu lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội tại địa phương.

Chúng tôi đến khu vực nuôi cá lồng trên biển của ông Trần Quốc Trung (sinh năm 1970), ngụ ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu, đúng vào lúc một số đoàn khách du lịch cũng đến đây tham quan, trải nghiệm. Du khách rất thích thú khi tận mắt nhìn những đàn cá bơi lượn dưới làn nước trong xanh. Càng thú vị hơn khi họ được tự tay cho cá ăn, đàn cá ngoi lên tranh mồi, quẫy đuôi nước văng tung tóe.

Ông Trung cho biết không riêng gia đình mình, hầu hết các hộ nuôi cá lồng bè mấy năm gần đây đời sống cải thiện nhiều so với trước. Du khách đến tham quan, tìm hiểu nghề nuôi ngày càng đông, góp phần giúp bà con phát triển du lịch cộng đồng, kiếm thêm thu nhập.

Ông Trung cho biết trước đây khi chưa nuôi cá lồng bè trên biển kết hợp làm du lịch cuộc sống khó khăn. Thời điểm trước, gia đình mua bán nhỏ, mua xuồng nhỏ đi biển đánh lưới ghẹ, đánh cá, nhiều năm liền cuộc sống gia đình vẫn luôn thiếu thốn. Từ khi địa phương có chủ trương khuyến khích người dân phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch.

Chủ trương xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi được Hội Nông dân phát động hàng năm.

Qua quá trình đi biển, ông Trung được một số bạn bè hướng dẫn cách nuôi cá bớp, cá mú bằng lồng bè trên biển, sau đó ông quyết định đóng lồng bè để nuôi cá thương phẩm.

Đầu tiên, ông Trung nuôi số ít cá bớp và cá mú nhằm mục đích là thí điểm và sau lần đầu tiên nuôi hiệu quả nên ông quyết định đóng lồng bè bằng gỗ nổi trên biển không dùng phi nhựa rồi mở rộng phần diện tích bè ra nhiều hộc để tăng quy mô lượng nuôi cá bớp, cá mú trân châu.

Để giảm chi phí, ông Trung mua ngư lưới cụ đi đánh cá tạp về làm thức ăn cho cá nuôi nhằm mục đích giảm chi phí thức ăn. Riêng phía diện tích trên mặt bè, ông Trung cất nhà để mở dịch vụ ăn uống phục vụ khách tham quan du lịch và đầu tư thêm phương tiện tàu đưa rước khách ra vào nhà chờ, đóng mới một tàu biển đi thu mua con giống trên biển về bán lại cho các hộ dân nuôi cá thương phẩm...

Từ nguồn bán con giống, bán cá thương phẩm và dịch vụ ăn uống, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Trung thu lợi nhuận khoảng 300-400 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông Trung còn kết hợp nhiều loại hải sản thí điểm như: Hào đại dương và các loại cá thiên nhiên khác…; tạo việc làm thường xuyên từ 4-6 lao động với mức lương hàng tháng từ 4-5 triệu đồng/người.

Sau nhiều năm "lăn lộn" với nghề nuôi biển kết hợp làm du lịch có hiệu quả, ông Trung cùng với những người làm ăn tại vùng biển này quyết định thành lập hợp tác xã.

Năm 2018, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nuôi trồng thuỷ sản xã Gành Dầu được thành lập do chính ông Trần Quốc Trung làm Giám đốc, với 33 hội viên, mục tiêu chung là hỗ trợ, giúp đỡ hội viên cùng phát triển sản xuất.

Với quy chế hoạt động chặt chẽ, hợp tác xã hướng đến việc vừa sản xuất vừa bảo vệ môi trường vùng nuôi. Ngoài ra, các thành viên được hướng dẫn, tiếp cận với các nguồn cung cấp con giống, vật tư nuôi trồng tin cậy, tạo lập một cộng đồng trách nhiệm trong tiêu thụ sản phẩm, tránh bị tư thương ép giá.

Theo ông Trung, nuôi biển kết hợp du lịch sinh thái là một hướng đi đúng đắn với địa phương có đường bờ biển. Việc nuôi biển để hướng đến làm du lịch, tạo môi trường bền vững, không sản sinh chất độc hại ra môi trường biển, giúp các loài thủy hải sản phát triển tốt.

Ngày xưa, du lịch đi đến đâu, nuôi trồng thủy sản lùi đến đó, thì hiện nay có thể kết hợp hai ngành nghề trên, tạo ra ngành, nghề mới là nghề cá giải trí rất phù hợp với địa phương và giúp người dân nơi đây ngày phát triển đi lên.

[Bình Phước: Nuôi cá lồng ở hồ thủy điện giúp người dân tăng thu nhập]

Ông Lê Đình Quảng, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Phú Quốc, cho biết mô hình nuôi cá lồng bè trên biển kết hợp làm du lịch của hộ gia đình ông Trần Quốc Trung nói riêng, Hợp tác xã hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nuôi trồng thuỷ sản xã Gành Dầu nói chung là mô hình rất hiệu quả. Mô hình vừa cho người dân nơi đây có thu nhập từ nuôi cá, vừa có thu nhập làm dịch vụ du lịch. Không chỉ có vậy, nguồn cá nuôi tại các lồng bè ở đây không phải lo đầu ra, mà chủ yếu bán cho khách du lịch thưởng thức, có lúc cá nuôi ở đây không đủ bán.

Mô hình nuôi cá lồng bè ở xã đảo Thổ Châu, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo ông Quảng, địa phương đang quy hoạch nuôi cá lồng bè trên biển theo hướng phát triển ổn định, bền vững; sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, hình thành vùng nuôi cá lồng bè tập trung, tạo khoảng cách an toàn giữa các bè nuôi, vừa đảm bảo khả năng tự làm sạch môi trường, vừa chủ động ứng phó khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Chủ trương của Phú Quốc những năm tới đây phải thực hiện mô hình sản xuất sản phẩm nông, ngư nghiệp phục vụ du lịch; trong đó khuyến khích ngư dân sản xuất trên biển, duy trì, phát triển nghề nuôi trồng hải sản gần bờ. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân đầu tư phát triển một số loài động vật có nguồn gốc hoang dã, như hươu, nai, lợn rừng, cá sấu, ba ba… nhằm tạo thêm sản phẩm phục vụ du lịch và tăng thu nhập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục