Ô nhiễm không khí lần đầu tiên được xác định là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ dẫn tới tàn tật và tử vong ở người, chủ yếu tại các quốc gia đang phát triển.
Đây là kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học quốc tế, được đăng tải trên Tạp chí Thần kinh học (The Lancet Neurology) ngày 9/6.
Ô nhiễm không khí, từ việc nấu ăn trong nhà hay khói bụi từ hoạt động giao thông bên ngoài, được xác định là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ, đi cùng với các nguyên nhân gây nguy cơ cao hơn như thói quen hút thuốc lá, cao huyết áp và béo phì...
Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ một loạt nghiên cứu, báo cáo và số liệu thống kê khác nhau để tạo ra mô hình toán học giúp ước tính nguy cơ đột quỵ do ô nhiễm không khí tại 188 quốc gia trong giai đoạn từ năm 1990-2013.
Đồng tác giả nghiên cứu trên, ông Valery Feigin đến từ Đại học Công nghệ Auckland của New Zealand, cho biết nghiên cứu cho thấy thực tế báo động rằng tình trạng ô nhiễm môi trường không khí đã gây ra tỷ lệ đột quỵ cao ngoài mức dự đoán, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng 90,5% nguyên nhân gây đột quỵ là do "các yếu tố có thể thay đổi," chủ yếu là thói quen hút thuốc, ăn quá nhiều đường, lười tập thể dục, các vấn đề về sức khỏe khác gồm bệnh tiểu đường, tim mạch...
Nghiên cứu cũng liệt kê ô nhiễm môi trường vào danh sách "yếu tố có thể thay đổi" đồng nghĩa với việc người dân hoặc các chính phủ có thể thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả để thay đổi tình trạng này.
Theo nhóm nghiên cứu, nỗ lực giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí cần được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trong cuộc chiến chống căn bệnh đột quỵ.
Ước tính, mỗi năm có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới, trong đó có gần 6 triệu người tử vong và 5 triệu người bị tàn tật như mất khả năng nhìn, nói, liệt người và lẩn thẩn./.