Từ đầu tháng 2/2018 đến nay, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có hàng nghìn hécta lúa Đông Xuân 2017-2018 vừa mới gieo cấy xong, bị ốc bươu vàng gây hại trên diện rộng.
Theo đó, ốc bươu vàng đã và đang gây hại hơn 1.700 ha lúa Đông Xuân, tăng đến trên 800 ha so với cùng kỳ năm trước; trong đó, diện tích lúa bị ốc bươu gây hại nặng tập trung ở các xã như Hương Vinh, Hương Phong thuộc thị xã Hương Trà; hai phường Thủy Dương và Thủy Phương thuộc thị xã Hương Thủy; một số xã vùng thấp trũng huyện Phú Vang và Quảng Điền.
Ông Nguyễn Văn Hùng, 45 tuổi, ở xã Hương Phong, thị xã Hương Trà cho biết, Vụ Đông Xuân năm nay gia đình làm 3 sào lúa. Thế nhưng lúa vừa mới bé rễ, đẻ nhánh thì đã bị ốc bươu vàng cắn phá những chồi non, gây ra thiệt hại không nhỏ. Ốc xuất hiện nhiều ở thời điểm tháo nước vào đồng ruộng, trứng ốc theo nguồn nước chảy vào, sinh sôi rất nhanh. Gia đình phải dùng nhiều biện pháp như bắt thủ công, phun thuốc phòng trừ mới khống chế được loại ốc gây hại này, đồng thời phải dặm lại một số diện tích lúa bị ốc bươu vàng cắn phá.
[Điểm mặt những sinh vật ngoại lai nguy hiểm tại Việt Nam]
Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thừa Thiên-Huế, thời gian tới ốc bươu vàng tiếp tục gây hại gia tăng mật độ và tỷ lệ hại trên diện tích mới gieo sạ, ở chân ruộng đọng nước cục bộ, ruộng thoát nước kém. Để phòng trừ ốc bươu vàng, nông dân cần thực hiện tốt các phương pháp canh tác, biện pháp thủ công, biện pháp sinh học nhằm hạn chế môi trường sống của ốc.
Bà con nông dân phải làm đất bằng phẳng, đánh rãnh thoát nước ở giữa và xung quanh ruộng, tháo cạn nước trên mặt ruộng để ốc tập trung về các rãnh nước, vùng đọng nước thuận tiện để bắt ốc; thường xuyên thu gom ốc, ổ trứng bằng tay, dùng vợt bắt ốc ở ruộng lúa, kênh mương; cắm cọc rải rác trên ruộng để ốc lên đẻ rồi thu gom trứng. Những nơi ốc có mật độ cao, kích thước nhỏ cần phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, như Map passion 10GR, Molluska 700WP... để phòng trừ hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhiều diện tích lúa Đông Xuân ở Thừa Thiên-Huế cũng bị nhiễm các đối tượng sinh vật gây hại như sâu cuốn lá, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu năn, chuột, bệnh đạo ôn... Vụ Đông Xuân 2017-2018, tỉnh Thừa Thiên-Huế gieo cấy 28.000ha lúa.
Các loại cây trồng khác ở Thừa Thiên-Huế cũng đang bị sâu bệnh gây hại lên đến hàng trăm hécta. Theo đó, cây bưởi Thanh Trà bị nhiễm các bệnh gồm bệnh muội đen với khoảng 80ha; bệnh chảy gôm trên 125ha, phân bố ở thành phố Huế, huyện Phong Điền, thị xã Hương Thủy. Gần 70ha cây hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh, thán thư và bệnh đốm rong, ở các huyện Phong Điền, Nam Đông.
Cây cao su bị các bệnh gây hại như xì mủ, phấn trắng, loét sọc miệng cao, đốm lá...Ngành nông nghiệp Thừa Thiên-Huế đang hướng dẫn bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sâu bệnh, để có biện pháp quản lý và dự báo phát sinh gây hại trong thời gian tới. /.