Ngày 30/6, tại thành phố Kyoto của Nhật Bản, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã bắt đầu hội nghị hai ngày nhằm tăng cường nỗ lực toàn cầu ngăn chặn nạn trốn thuế, trong bối cảnh gia tăng quan ngại sau vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama.”
Theo hãng thông tấn Kyodo, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso và Thứ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế thuộc Bộ Tài chính Masatsugu Asakawa tham dự hội nghị này.
Ban tổ chức cũng mời nhiều nước không thuộc OECD hoặc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) tham dự hội nghị để khuyến khích những quốc gia này áp dụng các quy định mới về thuế, theo đó buộc các công ty phải nộp mức thuế phù hợp tại nơi hoạt động.
Tại hội nghị trên, Ủy ban về các Vấn đề tài chính của OECD sẽ kêu gọi thêm nhiều nước tham gia các nỗ lực mà 46 quốc gia hiện nay đang tiến hành áp dụng các quy định quốc tế cứng rắn hơn nhằm ngăn chặn hành vi trốn thuế của các công ty đa quốc gia.
Ủy ban này cũng sẽ thảo luận cách thức xác định các nước không hợp tác trong nỗ lực tìm kiếm sự minh bạch về hệ thống thuế, trước khi triển khai sáng kiến trao đổi thông tin thuế có sự tham gia của khoảng 100 nước và vùng lãnh thổ vào năm tới.
Để triển khai hiệu quả hơn sáng kiến trên, Ủy ban sẽ xem xét lập danh sách đen sớm nhất vào năm tới xác định nước nào không tuân thủ tiêu chuẩn để áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Hội nghị trên diễn ra sau khi G20 sau cuộc họp vào tháng Tư vừa qua yêu cầu OECD thiết lập các tiêu chuẩn khách quan nhằm định rõ thẩm quyền.
Kết quả hội nghị tại Kyoto sẽ được thông báo trước Hội nghị G20 vào tháng Bảy tới.
Nỗ lực ngăn chặn hành vi trốn thuế đã được tăng cường sau vụ rò rỉ 11,5 triệu tài liệu của hãng luật Mossack Fonseca ở Panama.
Theo các kết quả ban đầu, công ty luật này đã tạo ra một "thiên đường thuế," qua đó giúp khoảng 140 chính trị gia, gồm cả 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn thuế.
Tại hội nghị tháng Tư vừa qua, G20 kêu gọi “triển khai kịp thời và rộng rãi” các quy định mới về thuế cũng như khuyến khích tất cả những nước và các cơ quan tư pháp liên quan áp dụng các quy định này./.