Ngày 12/1, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) Iyad Ameen Madani cho biết ngoại trưởng các quốc gia thành viên OIC sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp thảo luận tình hình căng thẳng gia tăng giữa Iran và Saudi Arabia.
Ông Madani, người đang có chuyến thăm Thái Lan hai ngày, nêu rõ cuộc họp nói trên sẽ diễn ra vào ngày 21/1 tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia theo yêu cầu của giới chức Riyadh.
Thông tin trên được đưa ra cùng ngày Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi bắt đầu chuyến công du đến cả Iran và Saudi Arabia trong một nỗ lực làm trung gian hòa giải hai quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông. Indonesia là quốc gia có dân số Hồi giáo đông nhất trên thế giới.
Cũng trong ngày 12/1, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Indonesia Marsudi về căng thẳng hiện nay giữa Iran và Saudi Arabia, trong đó hai bên nhất trí về sự cần thiết của việc giảm căng thẳng tại khu vực.
Hai quan chức trên đều cho rằng căng thẳng hiện nay có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với quan hệ song phương giữa Iran và Saudi Arabia mà còn đối với cả khu vực, tiến trình tại Syria, cũng như đối với cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới, bao gồm Đông Nam Á và châu Âu. Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác về các sáng kiến trong tương lai nhằm làm dịu tình hình.
Quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia căng thẳng sau khi Saudi Arabia ngày 2/1 vừa qua xử tử 47 đối tượng bị cáo buộc các tội danh liên quan khủng bố, trong đó có giáo sỹ dòng Shiite Nimr al-Nimr, dẫn tới bùng phát các cuộc biểu tình phản đối Saudi Arabia tại các nước có người Hồi giáo Shiite chiếm đa số.
Tại Iran đã xảy ra một loạt vụ tấn công đốt phá nhằm vào Đại sứ quán và Lãnh sự quán Saudi Arabia. Phản ứng trước các vụ tấn công này, Saudi Arabia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Saudi Arabia cho rằng việc tử hình các đối tượng trên là công việc nội bộ của nước này, và cho rằng Iran theo đuổi chia rẽ giáo phái./.