Olympic 2016: Lịch sử sẽ tiếp tục gọi tên Hoàng Xuân Vinh?

Rất nhiều vận động viên và đồng nghiệp báo chí nước ngoài đã trầm trồ khi nhắc về Xuân Vinh trong những ngày vừa qua. Bắn súng đã tạo nguồn cảm hứng vô cùng lớn cho đoàn thể thao Việt Nam.
Olympic 2016: Lịch sử sẽ tiếp tục gọi tên Hoàng Xuân Vinh? ảnh 1Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Đoàn Thể thao Việt Nam đã lập được kỳ tích tại Olympic Rio 2016 với tấm huy chương vàng đầu tiên trong lịch sử, song bên cạnh đó, người hâm mộ nước nhà đã lờ mờ nhận ra khả năng gây bất ngờ của thể thao Việt Nam đã mù khơi.

Rất nhiều vận động viên cũng như các đồng nghiệp báo chí nước ngoài đã trầm trồ khi nhắc về Xuân Vinh trong những ngày vừa qua. Bắn súng đã tạo nguồn cảm hứng vô cùng lớn cho đoàn thể thao Việt Nam và cánh báo chí.

Lang thang săn vàng để rồi hụt hẫng, tôi cứ chạnh buồn mà tự hỏi, liệu thành công này có phải một cú hích lớn và Tổng cục Thể dục Thể thao có tranh thủ để phát triển hơn nữa những môn thể thao thế mạnh?

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic 2016 - ông Trần Đức Phấn cũng đồng tình: “Đây là một cơ hội lớn để Tổng cục thể dục Thể thao xây dựng đề án phát triển, tập trung hơn nữa vào các môn thể thao trọng điểm, những vận động viên trọng điểm. Tất nhiên, chúng ta không ngủ quên trên chiến thắng và cần phải biết mình đang ở đâu. Tấm huy chương vàng tại Olympic dĩ nhiên là một kỳ tích đặc biệt, nhưng thành tích ở những đấu trường khu vực như ASIAD chẳng hạn, cũng rất quan trọng.”

Số lượng 23 vận động viên Việt Nam dự Rio 2016 tốn kém gần 50 tỷ đồng cho việc tập luyện, nhưng rõ ràng ngoài kỳ tích của Xuân Vinh, những vận động viên còn lại đa số đều gây thất vọng, đặc biệt là ở các môn được nhiều kỳ vọng và quan tâm như cử tạ (Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền) và bơi (Nguyễn Thị Ánh Viên).

Tối 7/8, đội tuyển cử tạ Việt Nam đã phải rời sàn đấu Pavilion 2. Kim Tuấn và đồng đội ngồi ở hành lang chờ xe đón, huấn luyện viên Huỳnh Hữu Chí tỏ vẻ mệt mỏi, ông bảo Tuấn bị đau nhưng cứ giấu và cố thi đấu. Còn trưởng bộ môn Đỗ Đình Kháng thì cứ lẩm bẩm: “Đúng là có vấn đề khi ép cân!”

Thật ra, vấn đề của Kim Tuấn hay Ánh Viên là gì? Tâm lý, đẳng cấp, hay chỉ đạo kém. Nói về vấn đề này, ông Phấn nói: “Chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng Olympic vẫn là sân chơi quá tầm với các vận động viên Việt Nam. Việc Hoàng Xuân Vinh giành huy chương vàng là một điều kỳ diệu, nhưng bản thân tôi và lãnh đạo các liên đoàn cũng chưa bao giờ tạo áp lực giành thành tích lớn, để họ hoàn toàn thoải mái về mặt tư tưởng. Vì thế, ngay từ đầu, tôi đã nói rằng chúng ta ở đây là để vượt qua chính chúng ta.”

Nhưng còn chuyện Nguyễn Thị Ánh Viên và Hoàng Quý Phước đều xếp chót và áp chót ở nội dung bơi 400m tự do và 200m tự do với thành tích kém xa so với mốc mà họ từng đạt được? Yếu tố “vượt qua chính mình” rõ ràng đã không đạt được.

Ông Phấn cho rằng đúng là có vấn đề về rào cản tâm lý. “Việc Ánh Viên xếp thứ chín ở nội dung sở trường 400m hỗn hợp là rất đáng khen nhưng sau khi không vào được chung kết, chắc chắn vận động viên nào cũng bị tâm lý, dù tôi phải thừa nhận Viên là vận động viên có tâm lý vững vàng. Những vận động viên thi ở vòng loại 400m tự do không quá mạnh với Viên, nhưng chính nó lại không tạo được áp lực phấn đấu cần thiết.”

Olympic mới trải qua vài ngày, nhưng đối với đoàn Tthể thao Việt Nam xem như đã không còn nhiều hy vọng về tấm huy chương nữa, dù là màu gì.

Ông Phấn thừa nhận “Rowing gặp toàn các quốc gia “khủng,” đấu kiếm toàn gặp những vận động viên đã giành huy chương. Cả những vật, cầu lông, điền kinh nữa. Chúng tôi động viên các vận động viên thi đấu hết mình để vượt qua chính chúng ta mà thôi, không quan tâm đến đối thủ là ai. Không có hy vọng huy chương thì tâm lý cũng sẽ thoải mái thôi.”

“Đoàn Việt Nam lần này đoạt huy chương vàng đã là thần kỳ rồi, nếu giành thêm một tấm huy chương nữa quá là kỳ diệu,” ông Phấn chốt lại.

Và dù không ai nói ra, như một sự ngầm hiểu về việc không nên kỳ vọng, nhưng tâm trí của rất nhiều người sẽ hướng đến trường bắn Deorodo, nơi người hùng Xuân Vinh sẽ thi đấu nội dung 50m súng ngắn vào ngày 10/8 tới, để thì thầm: “Vừng ơi, mở cửa ra”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.