Oman cũng phải "thắt lưng buộc bụng" do giá dầu sụt giảm

Oman đã trở thành quốc gia vùng Vịnh tiếp theo thông báo các kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" trong bối cảnh thu nhập từ dầu mỏ sụt giảm dẫn tới thâm hụt ngân sách nặng nề.
Ảnh minh họa. (nguồn: Associated Press)

Oman đã trở thành quốc gia vùng Vịnh tiếp theo thông báo các kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" trong bối cảnh thu nhập từ dầu mỏ sụt giảm dẫn tới thâm hụt ngân sách nặng nề.

Hãng thông tấn chính thức ONA của nước này ngày 30/12 thông báo chính phủ đã quyết định tăng giá nhiên liệu trong nỗ lực đảm bảo ngân sách bền vững khi giá dầu giảm sâu thời gian gần đây.

Ngoài ra, chính phủ cũng nhất trí giảm chi tiêu công và đẩy mạnh các nguồn thu không liên quan đến dầu mỏ thông qua đánh thuế lợi tức công ty, tăng một số chi phí dịch vụ công cộng và điều chỉnh giá dầu cho phù hợp với mức giá quốc tế từ giữa tháng 1/2016. Nội các cũng đã thông qua một kế hoạch phát triển 2016-2020 và ngân sách cho tài khóa 2016.

Thu nhập từ dầu mỏ của Oman đã giảm hơn 60% vì giá dầu sụt giảm từ mức 100 USD/thùng xuống còn dưới 40 USD hồi giữa năm 2014. Thực tế này đã khiến ngân sách năm 2015 của Oman thâm hụt 6,5 tỷ USD. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo thâm hụt sẽ tiếp tục lớn hơn trong năm tới.

Oman là một thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và không phải là thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Vốn giàu tài nguyên khoáng sản, nhưng nước này chỉ là nhà xuất khẩu dầu thô tương đối nhỏ, với lượng dầu bán ra chỉ 1 triệu thùng/ngày.

Trước đó, ngày 28/12 vừa qua, Saudi Arabia cũng đã thông báo tăng mạnh giá nhiên liệu, điện, nước và các dịch vụ công cộng khác nhằm đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách gia tăng vì nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm.

Về phần mình, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã thả nổi giá nhiên liệu trong khi Kuwait và Bahran đã dỡ bỏ mọi khoản trợ cấp đối với dầu diesel và dầu hỏa. Kuwait cũng có kế hoạch chấm dứt trợ cấp đối với dầu thô trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục