Ông Alexis Tsipras tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp

Ông Alexis Tsipras đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp sau khi đảng cánh tả Syriza do ông lãnh đạo giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn.
Ông Alexis Tsipras tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp ảnh 1Lãnh đạo Đảng Syriza Alexis Tsipras phát biểu trước những người ủng hộ sau khi kết quả bầu cử được công bố. (Nguồn THX/TTXVN)

Ngày 21/9, ông Alexis Tsipras đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp sau khi đảng cánh tả Syriza do ông lãnh đạo giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn tại nước này.

Trong phát biểu đầu tiên sau khi trở lại cương vị Thủ tướng, ông Tsipras đã đề cập tới cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Thủ tướng Tsipras cho rằng tất cả các quốc gia châu Âu đều phải có trách nhiệm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ nhiều hơn từ Liên minh châu Âu (EU) đối với những nước đang phải tiếp nhận dòng người di cư ồ ạt.

Theo ông Tsipras, EU đã không có các biện pháp để bảo vệ những nước tiếp nhận như Hy Lạp trước làn sóng người di cư đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Hy Lạp là quốc gia “cực Đông” của EU với đường bờ biển dài khoảng 16.000km. Trong năm nay, đã có hàng chục nghìn người di cư tìm cách vào EU qua đường Hy Lạp. Dự kiến, EU sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh để bàn về cuộc khủng hoảng di cư vào ngày 23/9 tới.

Trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ngày 20/9 tại Hy Lạp, đảng cánh tả Syriza của ông Tsipras đã giành chiến thắng sít sao với 35,54% phiếu bầu so với 28,07% mà đảng đối lập Dân chủ Mới bảo thủ giành được.

Ngay sau khi kết quả được công bố, ông Tsipras đã xác nhận thông tin đảng Syriza sẽ một lần nữa liên minh với đảng Người Hy Lạp độc lập (ANEL) theo chủ nghĩa dân tộc. Liên minh Syriza-ANEL sẽ chiếm khoảng 155 ghế trong tổng số 300 ghế tại Quốc hội Hy Lạp, một con số tuy mong manh nhưng vừa đủ để giúp ông Tsipras thực hiện các kế hoạch cải cách của mình.

Đây là cuộc bỏ phiếu thứ 5 trong 6 năm qua và là thứ 3 trong 9 tháng qua ở Hy Lạp sau khi ông Tsipras đã từ chức hồi tháng 8 vì những chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ đảng Syriza liên quan đến gói cứu trợ trị giá 86 tỷ euro mà các chủ nợ dành cho Hy Lạp, đổi lại Hy Lạp phải tiếp tục các chính sách khắc khổ và tư hữu hóa nhiều tài sản nhà nước.

Việc từ chức và tiến hành bầu cử sớm được cho là cách để củng cố lại đảng cầm quyền Syriza, gạt bỏ các thành viên chống đối ra khỏi đảng, đồng thời tìm kiếm thêm sự ủng hộ ở các đảng nhỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.