Ông Berlusconi bước đầu bị tước quy chế nghị sỹ

Ngày 19/9, tại phiên bỏ phiếu đầu tiên, Thượng viện Italy đã quyết định tước quy chế nghị sỹ của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi.
Ngày 19/9, tại phiên bỏ phiếu đầu tiên, Ủy ban đặc biệt của Thượng viện Italy đã quyết định tước quy chế nghị sỹ của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi. Có 15 phiếu chống ông Berlusconi, một phiếu ủng hộ, tám nghị sỹ không bỏ phiếu.

Việc bỏ phiếu tước quy chế nghị sỹ của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đã thực hiện theo luật do chính phủ kỹ trị tiền nhiệm của ông Mario Monti thông qua.

Luật này nằm trong gói các biện pháp đấu tranh chống tham nhũng, quy định những người đã bị kết án trên hai năm tù không được tham gia quá trình bầu cử.

Như vậy, ông Berlusconi đã bước đầu bị tước quy chế nghị sỹ. Tuy nhiên, quy trình khai trừ ông ra khỏi cơ quan lập pháp Italy còn rất phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn.

Sau bỏ phiếu sẽ đến giai đoạn Ủy ban đặc biệt nhóm họp, đưa ra các lý do tước quy chế nghị sỹ của cựu Thủ tướng và tổ chức thêm một lần bỏ phiếu nữa. Sau đó toàn thể Thượng viện sẽ phải lần lượt có ý kiến.

Vấn đề khai trừ cựu Thủ tướng Berlusconi khỏi cơ quan lập pháp phát sinh sau khi Tòa án Tối cao Italy ra phán quyết giữ nguyên mức án bốn năm tù giam đối với ông vì tội gian lận tài chính trong vụ mua bán bản quyền truyền hình công ty Mediaset.

Tuy nhiên, cho đến nay, các thượng nghị sỹ thuộc đảng "Nhân dân tự do" ủng hộ ông vẫn muốn thuyết phục nghị viện rằng việc tước quy chế nghị sỹ của nhà tỷ phú này là không hợp pháp.

Hơn thế nữa, các luật sư của ông Berlusconi còn đệ đơn kháng cáo phán quyết nêu trên lên Tòa án Nhân quyền châu Âu, biện luận rằng phán quyết này đã vi phạm nhiều quy định của Công ước châu Âu về quyền con người.

Số phận chính trị của ông Berlusconi đã gây mâu thuẫn giữa hai cánh tả - hữu trong chính trường Italy, hiện đang buộc phải cùng ủng hộ liên minh cầm quyền để duy trì hoạt động của chính phủ Thủ tướng Enrico Letta.

Bản thân ông Berlusconi, thì mối quan tâm chính là từ nay đến giữa tháng 10 phải lựa chọn hình thức thụ án: giam giữ tại gia hay bị đặt dưới sự quản thúc của các cơ quan xã hội.

Trước đó, ông Berlusconi đã cho phát một đoạn băng trên truyền hình, tuyên bố sẽ không rời bỏ chính trường kể cả nếu có bị tước quy chế nghị sỹ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.