Ông Boris Johnson sẵn sàng cho phương án không thỏa thuận với EU

Ứng cử viên hàng đầu vào chức Thủ tướng Anh cho biết dù không muốn một Brexit không thỏa thuận, nhưng việc xem xét phương án này là cần thiết để đảm bảo kết quả mà Anh mong muốn.
Ông Boris Johnson sẵn sàng cho phương án không thỏa thuận với EU ảnh 1Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 25/6, ứng cử viên hàng đầu vào chức Thủ tướng Anh, cựu Ngoại trưởng Boris Johnson tuyên bố sẽ theo đuổi một thỏa thuận Brexit mới với Liên minh châu Âu (EU), song nếu khối này từ chối đề nghị, ông sẽ đưa nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này khỏi EU vào tháng 10 tới mà không có thỏa thuận.

Trả lời phỏng vấn đài BBC, ông Johnson cam kết sẽ đưa Anh rời EU vào đúng ngày 31/10 tới.

Ông cho biết dù không muốn một Brexit không thỏa thuận, nhưng việc xem xét phương án này là cần thiết để đảm bảo kết quả mà Anh mong muốn.

[Lý do EU có thể ngăn kịch bản Brexit không thỏa thuận]

Để giải quyết bế tắc hiện nay, ông Johnson đang cân nhắc đến việc thay đổi hoặc bỏ qua phương án rào chắn, bởi theo ông sẽ cần rất nhiều sửa đổi kỹ thuật để tránh việc tái áp đặt biên giới cứng giữa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh.

Ngoài ra, ông Johnson cũng cảnh báo rằng vẫn còn nhiều mơ hồ về thời điểm và cách thức chi trả khoản phí "ly hôn" trị giá 39 tỷ bảng (tương đương 50 tỷ USD) mà Anh và EU đã nhất trí trước đó.

Thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Theresa May đã nhất trí với EU hồi cuối năm ngoái đã 3 lần bị các nghị sỹ Anh bác bỏ, buộc bà May phải hai lần trì hoãn Brexit.

Thời hạn mới nhất được đặt ra là ngày 31/10 tới.

Điều khoản gây tranh cãi trong thỏa thuận về biên giới với Ireland, gọi là "điều khoản rào chắn," chính là "cái gai" lớn nhất trong mắt các nghị sỹ.

Điều khoản này ngăn cản việc tái áp đặt đường biên giới cứng giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland của Anh với nước Cộng hòa Ireland (một thành viên EU) nếu hai bên không thể nhất trí về một thỏa thuận thương mại tự do sau khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc.

EU đã từ chối đàm phán lại thỏa thuận Brexit đạt được với Thủ tướng Anh Theresa May vào tháng 11 năm ngoái, trong khi Ireland tuyên bố sẽ không chấp nhận thay đổi điều khoản rào chắn.

Bà May sau đó đã tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ hôm 7/6 và cuộc đua tìm người kế nhiệm bà vẫn đang diễn ra.

Hai ứng cử viên cuối cùng là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson và Ngoại trưởng Jeremy Hunt sẽ bước vào vòng bỏ phiếu quyết định. Kết quả cuộc bỏ phiếu trong nội bộ đảng Bảo thủ sẽ được công bố trong tuần lễ bắt đầu từ ngày 22/7 tới.

Cùng ngày, Hiệp hội sản xuất ô tô và các nhà buôn của Anh (SMMT) đã kêu gọi vị Thủ tướng tiếp theo của nước này đảm bảo một thỏa thuận, giúp tạo điều kiện cho giao thương với EU, đồng thời cảnh báo Brexit không thỏa thuận sẽ khiến nước này thiệt hại hàng tỷ USD do thuế quan, trong khi sự gián đoạn lưu thông tại biên giới cũng sẽ tác động tiêu cực đến ngành này.

SMMT lo ngại một Brexit bất ổn sẽ khiến EU áp mức thuế 10% đối với các mẫu xe và việc kiểm tra hải quan sẽ gây ùn tắc tại biên giới, làm gián đoạn quy trình sản xuất.

Theo tính toán của SMMT, kịch bản "Brexit cứng" sẽ làm trì hoãn sự lưu thông hàng hóa ở biên giới, gây tổn thất ở mức 50.000 bảng (tương đương 63.813 USD) mỗi phút)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.