Ông Emmanuel Macron sẽ là một Charles de Gaulle mới?

Nỗi ám ảnh chính của ông Macron là việc tạo ra một “châu Âu” độc lập, mà Pháp có thể biến nó thành một công cụ để làm cho nước Pháp vĩ đại trở lại.
Ông Emmanuel Macron sẽ là một Charles de Gaulle mới? ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại một sự kiện ở Paris. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng theatlantic.com, một phần của vấn đề khi đánh giá các nhà lãnh đạo đương thời là xu hướng so sánh họ không phải với những người tiền nhiệm ngoài đời thực mà là với những huyền thoại đã được đơn giản hóa.

Winston Churchill từng được hỏi liệu ông có nghĩ Charles de Gaulle là một vĩ nhân hay không.

Churchill trả lời: “Ông ấy là người vị kỷ, kiêu ngạo, nghĩ mình là trung tâm của thế giới. Đúng, ông ấy là một vĩ nhân.” Điều tương tự có thể đúng với ông Emmanuel Macron.

Tổng thống Pháp đương nhiệm đã tái đắc cử với nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai sau vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp ngày 24/4 (giờ Pháp).

[Cuộc bầu cử Tổng thống hé lộ một nước Pháp chia rẽ]

Nhiệm kỳ đầu tiên của ông đã chứng kiến nhiều khoảnh khắc ấn tượng và thất bại mà trong nhiều trường hợp, liên quan nhiều đến việc ông đề cao lợi ích cá nhân.

Bạn có nhớ chuyến công du của ông Macron đến Liban giống như Hoàng đế La Mã đi thị sát các vùng? Có chuyện gì xảy ra với chuyến công du đó? Hoặc vụ ông ấy lên lớp một cầu thủ trẻ người Pháp vì dám hỏi “Ça va, Manu?” (Ông có khỏe không, Manu? - tên gọi thân mật của Tổng thống Macron) thay vì gọi ông ấy là Ngài Tổng thống?

Tuy nhiên, một ý tưởng sống động vẫn còn - một sứ mệnh mang lại mục đích cho nhiệm kỳ tổng thống của Macron, tạo ra một dấu ấn khác biệt và thú vị trong một thế giới của những nhà lãnh đạo thể hiện vai trò quản lý mờ nhạt và tham vọng hạn chế.

Nỗi ám ảnh chính của ông Macron là việc tạo ra một “châu Âu” độc lập, mà Pháp có thể biến nó thành một công cụ để làm cho nước Pháp vĩ đại trở lại.

Không có cuộc khủng hoảng nào qua đi mà không có một nỗ lực mới nào đó của ông Macron để thúc đẩy chương trình nghị sự này.

Năm 2019, thời điểm đỉnh cao trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, ông Macron đã khiến các đồng minh của Pháp tức giận và mang lại niềm vui cho Điện Kremlin khi cảnh báo rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang bị “chết não,” không thể đương đầu với việc Mỹ đang dần rút khỏi châu Âu, khiến lục địa này trở thành nô lệ địa chính trị.

Hai năm sau, trong bối cảnh căng thẳng về vấn đề cung cấp vaccine giữa nước Anh thời hậu Brexit và Liên minh châu Âu (EU) trong đại dịch, ông Macron lại can thiệp để bảo vệ lợi ích của châu Âu bằng cách tuyên bố - hoàn toàn không chính xác và không có bằng chứng - rằng vaccine AstraZeneca do Anh sản xuất là “hầu như không hiệu quả” đối với người cao tuổi.

Và sau đó, năm nay, khi Nga và Ukraine xảy ra xung đột, ông Macron lại cảnh báo rằng đây là thời điểm để châu Âu thiết lập chính sách đối thoại riêng với Nga, độc lập với NATO do Mỹ dẫn đầu.

Trong từng trường hợp, những can thiệp của ông Macron đều không kịp thời, sai lầm hoặc bị bỏ qua một cách đáng ngạc nhiên. Điều đó cũng hoàn toàn hợp lý khi ông Macron nhìn lại nhiệm kỳ đầu tiên của ông và chán nản vì không đạt được thành tích thực sự nào.

Ở châu Âu, mặc dù có kế hoạch lớn nhằm phục hồi EU bằng cách cung cấp cho khối này các công cụ để đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai, tương tự như cuộc khủng hoảng đã làm tê liệt đồng tiền chung châu Âu (Euro) hồi năm 2011, vẫn không chắc liệu ông có thể xoay sở để thay đổi nhiều thứ hay không.

Ở trong nước, bất chấp lời hứa sẽ đoạn tuyệt với quá khứ, khiến Pháp trở nên năng động hơn và hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, ông Macron buộc phải từ bỏ một số chương trình cải cách của ông trong bối cảnh công chúng Pháp đang bùng phát phong trào “Áo vàng.”

Kết cục là ông Macron là một nhân vật cực kỳ gây chia rẽ ở Pháp, bị công chúng ghét cay ghét đắng hơn nhiều so với các cựu tổng thống không được yêu thích như ông Nicolas Sarkozy và ông François Hollande.

Ông Emmanuel Macron sẽ là một Charles de Gaulle mới? ảnh 2Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Carbis Bay, Cornwall, Anh, ngày 12/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vậy làm thế nào ông Macron có thể được coi là một tổng thống vĩ đại, và thậm chí là một trong những chính khách châu Âu vĩ đại ở thời đại chúng ta?

Một phần của vấn đề khi đánh giá các nhà lãnh đạo đương đại như Macron là chúng ta có xu hướng so sánh họ không phải với những người tiền nhiệm ngoài đời thực mà với những huyền thoại được đơn giản hóa.

Do đó, De Gaulle không được xem là một nhà lãnh đạo không hoàn hảo, kiêu ngạo và độc tài như ông cho thấy, mà chỉ đơn giản là một nhà lãnh đạo vĩ đại và có khả năng tiên tri mà chúng ta biết.

Tuy nhiên, có lẽ ví dụ tốt nhất về hiệu ứng này là từ bên kia eo biển Manche, ở nước Anh: Margaret Thatcher.

Nhắc đến bà Thatcher, hầu hết mọi người đều biết đến biệt danh “Bà đầm Thép.” Bà đã đứng về phía nhà lãnh đạo Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev, các quan chức ở Brussels, phe phátxít ở Buenos Aires, và những người theo Chủ nghĩa Xã hội ở Anh.

Khi làm như vậy, Bà đầm Thép đã biến đổi nước Anh, dù tốt hay xấu. Khi chúng ta nhìn vào các nhà lãnh đạo ngày nay, dù là Joe Biden, Boris Johnson, Olaf Scholz hay Macron, có thể dễ dàng thấy rằng chỉ có sự thay đổi từng bước, mang tính thăm dò; né tránh trở ngại; và tính toán rụt rè, không dám làm việc lớn.

Tuy nhiên, đó chính xác là những gì đánh dấu nhiệm kỳ thủ tướng của bà Thatcher - cũng như sự căm ghét sâu sắc của công chúng đối với ông Macron ngày nay.

Thực tế là nhiệm kỳ thủ tướng của bà Thatcher được đánh dấu không chỉ bởi quyết tâm sắt đá và sứ mệnh ý thức hệ mà còn bởi chủ nghĩa thực dụng chính trị, chủ nghĩa ủng hộ sự thay đổi từng bước, thất bại ngoại giao ở nước ngoài và sự căm ghét của công chúng trong nước.

Trong 7 năm đầu tiên trên cương vị thủ tướng, bà đã đưa nước Anh hội nhập sâu hơn vào châu Âu, ký kết Đạo luật châu Âu duy nhất, một trong những sự chuyển giao chủ quyền lớn nhất được một thủ tướng của Anh chấp thuận.

Trong cuộc khủng hoảng Falklands, bà đã sẵn sàng đàm phán với chính quyền Argentina nhưng bị Buenos Aires từ chối. Vào cuối thời gian tại vị, dưới một số sức ép, bà đã đồng ý ràng buộc Anh với Cơ chế Tỷ giá hối đoái châu Âu, tiền thân của đồng Euro ngày nay.

So sánh các số liệu về doanh thu thuế, tăng trưởng kinh tế và quy mô của nhà nước khi bà Thatcher mới lên nắm quyền và lúc bà sắp rời nhiệm sở, có thể thấy một con số kém đột phá hơn nhiều so với những gì thường được miêu tả. Tất nhiên, bà ấy đã thay đổi nước Anh.

So sánh ông Macron với những chính trị gia “khổng lồ” trước đây khiến ông trông bớt nhỏ bé hơn. Ông đã thành công, dù chỉ một phần, trong việc cải cách nền kinh tế Pháp, giảm tỷ lệ thất nghiệp và khiến cho nước này trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư quốc tế.

Khi bà Angela Merkel ra đi và ông Olaf Scholz không mấy ấn tượng thay thế vị trí của bà, ông Macron đã nổi lên như một nhà lãnh đạo không thể tranh cãi ở châu Âu, tất nhiên là có những thách thức nhưng ông đã chứng tỏ là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và được trao quyền ở EU.

Tuy nhiên, điều cơ bản nhất là, chẳng phải sự thật đơn giản là ông Macron đã đúng sao?

Về mặt đạo đức và chiến lược, châu Âu nên nâng tầm nhìn để thoát khỏi vai trò đối tác cấp dưới trong thế giới của Mỹ. Là một trong những nơi phát triển nhất trên Trái Đất, châu Âu cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, chứ không phải là phụ thuộc vào quân đội, tiền tệ và công nghệ của một cường quốc khác và bị rung chuyển bởi những ý tưởng bất chợt của các cử tri của một quốc gia khác.

Châu Âu, như hiện nay, giống như một kiểu “con mèo của Schrödinger:” nửa thực, nửa ảo. Đây là một khối kinh tế có tầm ảnh hưởng thực sự, có khả năng vươn lên vị thế hàng đầu thế giới.

Vậy mà châu Âu hầu như không có chiều sâu địa chính trị, không thể hoặc không muốn áp đặt chính mình. Họ có đủ ý chí chính trị để vượt qua bất kỳ cuộc khủng hoảng hiện sinh nào xảy ra theo cách của họ, nhưng dường như không bao giờ đủ để đảm bảo rằng họ không phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng như vậy ngay từ đầu.

Tiền tệ, chia sẻ nợ công, chính sách đối ngoại và việc ra quyết định của châu Âu rõ ràng đều có những lỗ hổng, nhưng các quốc gia thành viên dường như không muốn lấp đầy chúng. Ông Macron có lý khi yêu cầu họ làm như vậy.

Tất nhiên, còn quá sớm để đánh giá liệu ông Macron sẽ thành công hay thất bại trong sứ mệnh cải cách nước Pháp và phục hồi châu Âu. Có lẽ ông sẽ đạt được một trong hai mục tiêu, hoặc không mục tiêu nào cả.

Rất nhiều cạm bẫy có thể phá hỏng nhiệm kỳ thứ hai của ông. Nhưng nhiều nhân vật vĩ đại hơn ông Macron cũng kết thúc sự nghiệp trong thất bại, bao gồm bà Thatcher và ông De Gaulle.

Tuy nhiên, ngay lúc này có mọi cơ hội để ông Macron có thể trở thành nhân vật nổi tiếng của châu Âu trong thời đại của chúng ta, làm lu mờ cả bà Merkel./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.