Ông Rishi Sunak bổ nhiệm cựu Thủ tướng David Cameron làm Ngoại trưởng Anh

Ngày 13/11, lần đầu tiên sau gần 13 tháng nắm quyền, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã tiến hành cải tổ nội các quy mô lớn.

Cựu Thủ tướng Anh David Cameron được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng. (Ảnh: Bloomberg)
Cựu Thủ tướng Anh David Cameron được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng. (Ảnh: Bloomberg)

Ngày 13/11, lần đầu tiên sau gần 13 tháng nắm quyền, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã tiến hành cải tổ nội các quy mô lớn.

Sau khi công bố quyết định sa thải Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman trước sức ép dư luận và nội bộ liên quan việc bà chỉ trích cách cảnh sát xử lý các cuộc biểu tình ủng hộ người dân Palestine trong cuộc xung đột Hamas-Israel, Thủ tướng Sunak đã bổ nhiệm Ngoại trưởng James Cleverly làm Bộ trưởng Nội vụ.

Song song với việc điều chuyển ông Cleverly, Thủ tướng Sunak cũng quyết định bổ nhiệm cựu Thủ tướng David Cameron giữ chức Ngoại trưởng trong một động thái gây ngạc nhiên lớn trong dư luận và chính giới Anh.

Ông Cameron đã buộc phải từ chức Thủ tướng sau cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) vào năm 2016 và hầu như không có hoạt động chính trị nào kể từ đó.

Gần đây nhất, ông đã chỉ trích quyết định hủy dự án đường sắt tốc độ cao HS2 nối Birmingham với Manchester của chính phủ Thủ tướng Sunak.

Do vậy, giới quan sát đánh giá quyết định bổ nhiệm ông Cameron là sự thỏa hiệp của Thủ tướng Sunak với nhóm ôn hòa trong đảng Bảo thủ cầm quyền trước sự bất mãn của họ với chính sách mang tính cực hữu trong các vấn đề nhập cư, cảnh sát và nhà ở của chính phủ đương nhiệm.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt sẽ vẫn tại vị trong đợt cải tổ nội các lớn này dù bất đồng với Thủ tướng Sunak về vấn đề ngân sách.

Việc cải tổ nội các sâu rộng lần này được đánh giá là biện pháp vừa mang tính đối phó, vừa là chiến lược của Thủ tướng Sunak nhằm thu hút các đồng minh và loại bỏ một số bộ trưởng mà Văn phòng Thủ tướng cho rằng không đáp ứng kỳ vọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.