Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Ấn Độ đã kết thúc với việc hai bên nhất trí gạt bỏ những bất đồng để tìm kiếm một kỷ nguyên mới cho sự hợp tác Trung-Ấn.
Theo thông cáo báo chí sau hội nghị, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận trong bầu không khí thân thiện về các vấn đề bao trùm, dài hạn và chiến lược, có tầm quan trọng đối với khu vực và toàn cầu.
Hai bên nhất trí cần xem xét cách thức tăng cường tương tác song phương để phản ánh vai trò gia tăng của hai nước này trên trường quốc tế. Sự hợp tác Trung-Ấn tập trung phần lớn vào lĩnh vực kinh tế, thương mại và né tránh những vấn đề nhạy cảm có thể trở thành những “ngòi nổ” trong quan hệ hai nước.
Hai bên quyết định thiết lập cơ chế Đối thoại kinh tế và thương mại cấp cao, với mục tiêu tăng cường quan hệ thương mại cũng như tạo sự cân bằng lớn hơn trong thương mại giữa hai nước.
Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc năm 2018 lên tới gần 58 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng số thâm hụt thương mại của Ấn Độ, trong khi thương mại với Trung Quốc chỉ chiếm 10% tổng thương mại của New Delhi.
Đây là điều luôn khiến New Delhi đau đầu mỗi khi xem xét gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc đứng đầu.
Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Vijay Gokhale cho biết Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo sự cân bằng trong RCEP, trong khi Trung Quốc cam kết sẽ tìm cách để giải tỏa các lo ngại của Ấn Độ.
Một nội dung quan trọng khác được hai bên quan tâm là vấn đề chống khủng bố. Hai nhà lãnh đạo thừa nhận rằng cả Ấn Độ và Trung Quốc đều là những quốc gia rộng lớn, hết sức phức tạp và đa dạng. Chính vì vậy, điều quan trọng là hai bên cần duy trì các nỗ lực chung để đối phó với chủ nghĩa khủng bố.
Tuyên bố chung với hàng loạt những cam kết cho thấy sự đồng thuận của hai bên dường như đã thể hiện một kết quả thành công của hội nghị thượng đỉnh song phương chính thức lần 2.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định hợp tác Trung-Ấn chưa bao giờ đơn giản như phát ngôn của các nhà lãnh đạo.
Trong vấn đề thương mại, lâu nay, Ấn Độ vẫn phàn nàn về việc các sản phẩm xuất khẩu của nước này xuất sang thị trường Trung Quốc như dược phẩm, thịt và thực phẩm đang phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại của Trung Quốc.
Trong quá khứ, Bắc Kinh từng đồng ý sẽ giải quyết những quan ngại trên của New Dehli, song trên thực tế gần như Bắc Kinh không làm gì để thay đổi một cách cơ bản những rào cản mà Trung Quốc đang dựng lên đối với hàng hóa Ấn Độ.
Cho đến thời điểm này, Ấn Độ vẫn từ chối tham gia sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc - chương trình đầu tư và phát triển hạ tầng do Trung Quốc chủ đạo với nhiều dự án đi qua những vùng lãnh thổ mà cả Pakistan và Ấn Độ đều tuyên bố chủ quyền.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng tránh không đề cập đến mạng 5G của Huawei. Ấn Độ cho đến nay vẫn chưa quyết định có hay không cho phép Huawei tham gia các kế hoạch 5G của nước này.
Trong vấn đề Kashmir, hai ngày trước khi đến Ấn Độ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp đón Thủ tướng Pakistan Imran Khan. Khi đó, ông Tập Cận Bình khẳng định rằng Bắc Kinh đang theo dõi tình hình tại Kashmir và sẽ ủng hộ Pakistan trong các vấn đề liên quan tới lợi ích cốt lõi của Islamabad. Các phát ngôn của nhà lãnh đạo Trung Quốc đã khiến Ấn Độ bất bình.
Vấn đề gây nhức nhối nhất hiện nay trong quan hệ hai nước là tranh chấp biên giới ở khu vực Himalaya. Hai nhà lãnh đạo cho biết sẽ quản lý những khác biệt một cách kiên nhẫn, không để leo thang thành bất đồng và sẽ thận trọng khi xem xét những quan ngại của mỗi bên.
Chủ tịch Trung Quốc gợi ý hai nước nên tiến hành liên lạc chiến lược theo một cách thức hiệu quả và kịp thời, thận trọng xử lý những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của hai nước, giải quyết và kiểm soát phù hợp các vấn đề mà không thể giải quyết được trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong quan hệ hai nước, lịch sử cho thấy đây là chặng đường dài và khá nhiều trắc trở.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt với Mỹ, làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tháng qua ở Hong Kong, kinh tế suy thoái cũng như hàng loạt vấn đề trong nước khác, việc ổn định được mối quan hệ với một láng giềng lớn như Ấn Độ là điều quan trọng để Bắc Kinh có thể tập trung xử lý các vấn đề cấp bách hơn.
Đối với Ấn Độ, quốc gia này đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế suy yếu. Cải thiện quan hệ với Bắc Kinh có thể giúp New Delhi tháo gỡ những khó khăn nội tại nhờ có sự tiếp cận lớn hơn thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Điều này cũng thể hiện New Dehli duy trì chính sách "tự chủ chiến lược," tránh bị chi phối bởi các mối quan hệ khác, đặc biệt với Mỹ dưới thời một Tổng thống Donald Trump khó đoán định.
Có thể nói, kết quả rõ ràng nhất mà hội nghị thượng đỉnh Trung-Ấn lần thứ hai đạt được là nhận thức ranh giới của mỗi bên và nỗ lực giữ mối quan hệ song phương ổn định, ít nhất là trong tương lai gần.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng thúc đẩy hợp tác Trung-Ấn là lựa chọn đúng đắn. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh “vũ điệu rồng và voi” (Trung Quốc và Ấn Độ) chắc chắn sẽ hiệu quả hơn là sự đối đầu.
Lịch sử của mối quan hệ giữa hai láng giềng lớn là cạnh tranh và mâu thuẫn. Tuy nhiên, lần này, hai nhà lãnh đạo đã cố gắng gạt bỏ các bất đồng, giải quyết khác biệt và tạo nền tảng cần thiết cho mối quan hệ cùng có lợi./.