Ông Trump không cho Trung Quốc mua lại nhà sản xuất chip Lattice

Ông Trump phản đối công ty Canyon Bridge Capital Partners của Trung Quốc mua nhà sản xuất chip của Mỹ, Lattice Semiconductor Corp, do cho rằng thương vụ này đe dọa an ninh quốc gia.
Logo của Lattice. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump ra quyết định phản đối việc công ty tư nhân của Trung Quốc, Canyon Bridge Capital Partners, mua nhà sản xuất chip của Mỹ, Lattice Semiconductor Corp, do cho rằng thương vụ này đe dọa đến an ninh quốc gia.

Qua ​việc này phát đi tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc rằng Mỹ sẽ phản đối các thỏa thuận liên quan đến các công nghệ có thể ứng dụng trong lĩnh vực quân sự.

Canyon Bridge có kế hoạch thâu tóm Lattice với giá 1,3 tỷ USD, thương vụ lớn nhất của một công ty Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip của Mỹ và là thỏa thuận đầu tiên được công bố đối với công ty có trụ sở tại Palo Alto, được khai trương vào năm ngoái và tập trung vào đầu tư công nghệ.

Giới chức Nhà Trắng lo ngại thương vụ này sẽ kéo theo việc chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ cho các nhà đầu tư nước ngoài và liên quan trực tiếp tới hoạt động cung cấp các sản phẩm bán dẫn cho các cơ quan chính phủ. Hiện nay, các sản phẩm bán dẫn nhạy cảm của Lattice được nhiều cơ quan chính phủ Mỹ sử dụng.

Mỹ xem xét thương vụ trên chặt chẽ hơn sau khi hãng tin Reuters hồi tháng 11/2016 đưa tin Canyon Bridge được Chính phủ Trung Quốc tài trợ và có các mối liên quan gián tiếp với chương trình không gian của Mỹ.

Các quan chức quốc phòng Mỹ sau đó đã nêu lên lo ngại về kế hoạch thâu tóm Lattice có trụ sở ở bang Oregon của một công ty quốc doanh Trung Quốc.

Trong một sắc lệnh hành pháp, ông Trump cho rằng Lattice và Canyon Bridge nên tiến hành tất cả các bước cần thiết để từ bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn thương vụ trên trong vòng 30 ngày.

Theo một tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, việc Canyon Bridge thâu tóm Lattice có thể gây nguy hiểm cho Chính phủ Mỹ khi sử dụng các sản phẩm nhạy cảm của Lattice.

Quyết định của ông Trump đúng như quan điểm của Ủy ban về đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), với nhiệm vụ xem các thỏa thuận để phát hiện các mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia.

Canyon Bridge và Lattice đã mất tám tháng nhưng không thuyết phục được CFIUS thông qua thỏa thuận.

Cả hai công ty này đều cho rằng vụ thâu tóm không gây ra bất kỳ nguy cơ an ninh nào và Canyon Bridge đã tuyên bố với CFIUS sẽ tăng gấp đôi số nhân viên của Lattice để thỏa thuận có thể dễ được chấp nhận hơn.

Cũng trong lĩnh vực công nghệ, ngày 13/9, Mỹ đã cấm các cơ quan liên bang sử dụng phầm mềm máy tính do Kaspersky Lab cung cấp bởi những lo ngại về mối quan hệ của công ty này với Chính phủ Nga và các hoạt động tình báo của nước này.

Theo chỉ thị do Bộ trưởng An ninh Nội địa Elaine Duke ban hành, tất cả các cơ quan liên bang và các bộ phải dừng sử dụng các sản phẩm hoặc dịch vụ do công ty của Nga cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp.

Chỉ thị này cho các cơ quan 30 ngày để xác định xem họ có đang sử dụng sản phẩm của Kaspersky hay không và yêu cầu phần mềm của công ty này phải được dỡ bỏ khỏi tất cả các hệ thống thông tin trong vòng 90 ngày.

Trong một tuyên bố, Kaspersky khẳng định không có mối liên hệ sai trái với bất kỳ chính phủ nào, bao gồm Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục