Ngày 4/1, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) khẳng định khí độc sarin đã được sử dụng trong các cuộc tấn công ở Syria, khiến nhiều dân thường bị phơi nhiễm loại chất độc thần kinh có thể gây chết người này.
Trong báo cáo mới nhất về các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria, OPCW cho biết đang điều tra các báo cáo của chính quyền Syria về việc vũ khí hóa học độc hại được sử dụng trong tổng cộng 11 cuộc giao tranh, song không nêu chi tiết thời gian và địa điểm.
Tổ chức trên khẳng định cần thêm thời gian để mở rộng điều tra về cơ chế phơi nhiễm khí sarin cũng như các loại khí độc tương tự khác.
Trước đó, OPCW từng nhiều lần công bố báo cáo về việc sử dụng khí độc clo và mù tạt lưu huỳnh trong các cuộc tấn công tại Syria.
Liên quan vấn đề tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria, các chuyên gia OPCW cho biết tiến trình này đã kết thúc với 99,6% số vũ khí hóa học được tiêu hủy.
Tổng Giám đốc OPCW Ahmet Uzumcu nhận định kết quả này "chấm dứt một chương quan trọng trong việc hủy bỏ chương trình vũ khí hóa học của Syria."
Theo kế hoạch, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ có phiên thảo luận về vấn đề sử dụng vũ khí hóa học tại Syria trong ngày 5/1.
Chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad và lực lượng nổi dậy đã cáo buộc lẫn nhau về việc sử dụng chất hóa học độc hại trong gần 5 năm nội chiến khiến hơn 250.000 người thiệt mạng.
Sau vụ tấn công bằng khí sarin ở ngoại ô thủ đô Damascus hồi tháng 8/2013, chính quyền Damascus chấp nhận một kế hoạch quốc tế do Nga đề xuất, theo đó tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học của nước này, ước đoán vào khoảng 1.300 tấn, để đổi lấy việc Mỹ hủy bỏ kế hoạch không kích lật đổ chế độ của Tổng thống al-Assad.
Việc đưa toàn bộ vũ khí hóa học và hóa chất nguy hiểm ra khỏi Syria được cho là điều kiện cơ bản trong chương trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học của quốc gia Trung Đông này. Phái bộ chung Liên hợp quốc-OPCW được ủy thác nhiệm vụ tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria.
Từ đầu năm 2015, Syria đã bắt đầu tiến hành phá hủy những cơ sở sản xuất vũ khí hóa học còn lại của nước này bất chấp những trở ngại do điều kiện thời tiết xấu và những vấn đề về hậu cần./.