Ngày 12/7, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu sẽ giảm hơn nữa trong năm nay và năm sau do các nước xuất khẩu dầu mỏ bên ngoài tổ chức này cắt giảm sản lượng, đặc biệt là Mỹ.
Trong báo cáo hàng tháng, OPEC cho rằng các nước xuất khẩu dầu mỏ ngoài OPEC sẽ cắt giảm sản lượng khai thác xuống 56 triệu thùng/ngày trong năm nay từ mức 57 triệu thùng/ngày năm 2015.
Trong năm 2017, các nước trên sẽ giảm tiếp sản lượng xuống 55,9 triệu thùng/ngày, trong đó một phần là do các nhà sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ tiếp tục cắt giảm sản lượng nhằm đẩy giá nhiên liệu này cao hơn mức 45-50 USD/thùng hiện nay. Nếu dự báo trên trở thành sự thật, đó sẽ là minh chứng cho thấy chiến lược của OPEC kể từ năm 2014 là giữ sản lượng ở mức cao bất chấp giá dầu thấp nhằm ép các nhà sản xuất dầu mỏ ngoài tổ chức này giảm sản lượng là đúng đắn.
Tuy nhiên, báo cáo của OPEC lại không đưa ra dự báo về sản lượng của các nước thuộc OPEC nhưng cho rằng nhu cầu dầu thô do 14 nước thành viên OPEC sản xuất sẽ ở mức trung bình 33 triệu thùng/ngày trong năm 2017, tăng 1,1 triệu thùng/ngày so với năm nay. Có thông tin cho biết trong tháng 6 vừa qua, tổng sản lượng khai thác của OPEC đã tăng lên 33 triệu thùng/ngày, nhiều hơn 264.000 thùng/ngày so với tháng trước đó. Con số này cao hơn so với số liệu 32,1 triệu thùng/ngày của năm 2015.
Cũng theo OPEC, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên mức 94,2 triệu thùng/ngày trong năm nay, tức tăng thêm 1,2 triệu thùng/ngày, trước khi tăng một mức tương tự lên 95,3 triệu thùng/ngày trong năm sau.
Sau khi OPEC đưa ra báo cáo trên, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới đã hồi phục sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng qua. Ngoài ra, dầu mỏ tăng giá còn do đồng USD giảm nhẹ. Tính đến tối 12/7 giờ Việt Nam, trên sàn giao dịch London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 9/2016 đã tăng 1,43 USD lên 47,68 USD/thùng. Trong khi tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2016 tăng 1,31 USD xuống 46,07 USD/thùng./.