Tối 2/6 (theo giờ Việt Nam), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu thô cao hơn dự kiến trong bối cảnh giá "vàng đen" tăng và Liên minh châu Âu (EU) vừa thông báo lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga.
Tuyên bố của OPEC+ nêu rõ cuộc họp trực tuyến của tổ chức này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các thị trường cân bằng và ổn định, do đó OPEC+ quyết định sẽ tăng sản lượng lên 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và 8. Con số này cao hơn nhiều so với mức tăng hằng tháng trước đó là 432.000 thùng/ngày.
Trước khi kết thúc cuộc họp trên, 23 quốc gia thành viên OPEC+ cũng đã lên kế hoạch triệu tập cuộc họp kế tiếp vào ngày 30/6 tới.
Cũng trong ngày 2/6, Nhà Trắng ra tuyên bố nhấn mạnh Mỹ hoan nghênh quyết định mới nhất của OPEC+ về việc tăng sản lượng.
Bên cạnh đó, Washington cũng công nhận vai trò quan trọng của Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait và Iraq trong việc thúc đẩy đạt được sự đồng thuận này.
[Nga cảnh báo EU về hậu quả của quyết định cấm vận dầu mỏ]
Giới phân tích từng kỳ vọng các nhà sản xuất của OPEC+ có thể sẽ chỉ tăng sản lượng ở mức nhỏ tương tự như họ đã thực hiện kể từ tháng 5/2021.
Tuy nhiên, báo cáo đăng tải trên báo Wall Street Journal ngày 30/5 vừa qua - trong đó đề cập OPEC đang cân nhắc về việc loại Nga khỏi thỏa thuận - đang làm dấy lên nhiều đồn đoán.
Ngày 2/6, giá dầu thô đã giảm hơn 2% khi báo Financial Times công bố báo cáo tương tự cho biết Saudi Arabia đang cân nhắc kế hoạch tăng nguồn cung trong bối cảnh Nga đang đối diện với lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của EU do liên quan cuộc xung đột tại Ukraine.
Nhà phân tích Stephen Brennock tại tập đoàn năng lượng PVM nhận định động thái tăng nhẹ sản lượng dầu thô như trên sẽ có thể giúp sớm hoàn tất thỏa thuận nguồn cung của tập đoàn này, đồng thời mở đường cho việc tăng sản lượng không giới hạn.
Bà Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cấp cao của ngân hàng Swissquote, nhận định OPEC sẽ có thể tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng sản lượng dầu và sẽ không có thay đổi đặc biệt nào trong cuộc họp tuần này.
Tuy nhiên, OPEC có thể điều chỉnh chiến lược vào cuối tháng 9 năm nay với việc Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) có khả năng sẽ gia tăng sản lượng dầu.
Theo hãng tin Reuters (Anh), 13 thành viên OPEC - đứng đầu là Saudi Arabia - và 10 đối tác của tổ chức này - đứng đầu là Nga - đã giảm mạnh sản lượng dầu thô vào năm 2020 trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm do đại dịch COVID-19 và các lệnh phong tỏa trên toàn cầu.
Trước sự hối thúc của các quốc gia tiêu thụ dầu thô hàng đầu thế giới, các nước OPEC+ đã tăng nhẹ sản lượng lên mức 400.000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ năm ngoái. Dự báo, sản lượng sẽ tăng thêm 432.000 thùng/ngày vào tháng 7 tới./.