OSCE ngừng giám sát ban đêm do leo thang xung đột ở Đông Ukraine

Phái bộ OSCE phải chuyển hoạt động của mình sang chế độ "nguy hiểm" và phải ngừng các hoạt động giám sát vào ban đêm do tình hình căng thẳng ở miền Đông Ukarine.
OSCE ngừng giám sát ban đêm do leo thang xung đột ở Đông Ukraine ảnh 1Thành viên OSCE giám sát hoạt động rút quân của lực lượng ly khai ở miền Đông Ukarine hồi tháng 7. (Nguồn: AFP)

Các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Ukraine ngày 19/8 ghi nhận tình hình căng thẳng vẫn tiếp tục gia tăng tại các khu vực Donetsk, Gorlovka và vùng Đông Bắc của Mariupol, đặc biệt làng Telmanovo đã trở thành "điểm nóng" xung đột mới.

Theo Phó trưởng phái bộ giám sát OSCE Alexander Hug, tổ chức này ghi nhận sự gia tăng đáng kể số lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, lên tới 180 lần trong tuần qua, chủ yếu tập trung về hướng làng Telmanovo, biến khu vực này "điểm nóng" nhất ở Donetsk.

Phái bộ đã phải chuyển hoạt động của mình sang chế độ "nguy hiểm" và phải ngừng các hoạt động giám sát vào ban đêm.

Về phần mình, DPR cho biết chỉ trong tối 19/8, quân đội Ukraine đã vi phạm 22 lần quy chế ngừng bắn. Theo DPR, tình hình ở khu vực này đã trở nên nguy hiểm khi quân đội tiếp tục nã pháo vào các điểm dân cư.

Ngoài ra, DPR cũng cáo buộc quân đội Ukraine đã bắn 12 phát đại bác 152 và 122 mm, 23 quả đạn tăng, cũng như nhiều đạn khác vào Donetsk.

Trong khi đó, đại diện Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR) cũng cho biết quân đội Ukraine đang tăng cường đưa vũ khí và các đơn vị quân đội vào gần các làng Debalsevo và Gorlovka, cho thấy Kiev đang chuẩn bị tấn công vào Lugansk và Donetsk.

Trước tình hình trên, đại diện các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã có cuộc họp nhằm tìm cách giải quyết tình hình tại miền Đông Ukraine. Khối quân sự này quan ngại sâu sắc tình hình bạo lực leo thang trầm trọng ở miền Đông Ukraine, đồng thời kêu gọi các bên xung đột kiềm chế và dừng leo thang căng thẳng.

Báo cáo của NATO nhấn mạnh muốn có hòa bình, các bên xung đột tại Ukraine phải tuân thủ triệt để thỏa thuận Minsk đạt được hồi tháng 2 vừa qua. Bên cạnh đó, NATO cũng cho rằng Nga có trách nhiệm đặc biệt để giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine bằng giải pháp chính trị và khối quân sự này sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình tại Ukraine.

Theo kế hoạch, trong ngày 20/8, tại thủ đô Berlin của Đức diễn ra cuộc gặp của "Bộ Tứ Normandy" (gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức) ở cấp chuyên viên nhằm thảo luận việc hiện thực hóa cải cách hiến pháp tại Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.