Pakistan nhận được cam kết hỗ trợ hơn 8 tỷ USD tái thiết sau lũ lụt

Đại diện của khoảng 40 quốc gia, các nhà tài trợ tư nhân, các thể chế tài chính quốc tế hiện đang nhóm họp tại Geneva để thảo luận về việc hỗ trợ Pakistan khắc phục hậu quả sau lũ.
Pakistan nhận được cam kết hỗ trợ hơn 8 tỷ USD tái thiết sau lũ lụt ảnh 1Người dân dùng thuyền di chuyển tại vùng ngập lụt ở tỉnh Sindh, Pakistan ngày 31/8/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 9/1, Pakistan thông báo nước này đã nhận được cam kết hỗ trợ lên tới 8,57 tỷ USD tại hội nghị quốc tế diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ) về hỗ trợ quốc gia Nam Á này tái thiết sau lũ lụt.

Bộ trưởng Thông tin Pakistan Marriyum Aurangzeb đã xác nhận thông tin này trên mạng Twitter. Con số 8,57 tỷ USD cao hơn so với số tiền Pakistan kỳ vọng là 8 tỷ USD mà Thủ tướng Shehbaz Sharif đưa ra trước đó.

Trong số các nhà tài trợ, Ngân hàng Phát triển Hồi giáo cam kết cung cấp 4,2 tỷ USD trong 3 năm tới để giúp nước này đạt được các mục tiêu phát triển và tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài Ngân hàng thế giới (cam kết 2 tỷ USD), Ngân hàng Phát triển châu Á (1,5 tỷ USD), còn có Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Pháp và Mỹ cũng cam kết viện trợ.

Đại diện của khoảng 40 quốc gia, các nhà tài trợ tư nhân, các thể chế tài chính quốc tế hiện đang nhóm họp tại Geneva để thảo luận về việc hỗ trợ Pakistan khắc phục hậu quả sau lũ.

Hội nghị do Pakistan và Liên hợp quốc đồng tổ chức nhằm tìm kiếm nguồn tài chính hỗ trợ quá trình phục hồi lâu dài và kế hoạch nâng cao khả năng chống chịu của quốc gia Nam Á trong dài hạn.

Ước tính Pakistan cần 16,3 tỷ USD để phục hồi sau các trận lũ lụt nghiêm trọng hồi năm ngoái, cũng như ứng phó tốt hơn với tình trạng biến đổi khí hậu. Chính phủ Pakistan cho biết nước này chỉ có thể trang trải 50% chi phí này.

[LHQ kêu gọi đầu tư lớn để hỗ trợ Pakistan khắc phục hậu quả lũ lụt]

Cùng ngày, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã hối thúc cộng đồng quốc tế hỗ trợ 4 triệu trẻ em tại Pakistan hiện đang sống gần khu vực nước lũ ô nhiễm.

Theo UNICEF, số ca nhiễm các bệnh hô hấp cấp tính đang tăng nhanh, đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em trên toàn thế giới. Trong khi đó, số trẻ em đối mặt với suy dinh dưỡng nghiêm trọng tại những khu vực chịu ảnh hưởng của lũ lụt trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 12/2022 đã tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Khoảng 1,5 triệu trẻ em vẫn đang cần các biện pháp can thiệp khẩn cấp về dinh dưỡng.

Đại diện của UNICEF tại Pakistan, Abdullah Fadil cho hay dù mưa lũ đã qua đi nhưng cuộc khủng hoảng mà trẻ em đang đối mặt vẫn chưa kết thúc. Gần 10 triệu trẻ em vẫn đang cần hỗ trợ khẩn cấp và các em đang bước vào mùa Đông khắc nghiệt mà không có nơi ở phù hợp. Suy dinh dưỡng nghiêm trọng, các bệnh về hô hấp và liên quan đến nguồn nước, kết hợp với thời tiết lạnh đang đẩy cuộc sống hàng triệu trẻ em vào nguy hiểm.

Ông Fadil nhấn mạnh cuộc khủng hoảng khí hậu là nguyên nhân chính khiến thiên tai trở nên nghiêm trọng hơn tại Pakistan, do đó ông kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hết sức để giúp trẻ em tại nước này phục hồi sau thảm họa vừa qua, cũng như bảo vệ các em khỏi nguy cơ này trong tương lai.

Số liệu chính thức của Pakistan cho thấy tính đến ngày 5/1, hơn 1.700 người tại Pakistan đã thiệt mạng trong các trận mưa lũ bắt đầu từ giữa tháng 6/2022. Do nước vẫn chưa rút tại một số khu vực, khoảng 8 triệu người vẫn đang chưa thể về nhà.

UNICEF và các đối tác đã bắt đầu cung cấp quần áo ấm, chăn cho gần 200.000 người dân Pakistan, kiểm tra dinh dưỡng cho hơn 800.000 trẻ em, cung cấp nước sạch và vệ sinh cho hàng triệu người.

Cho đến nay, gần 1,5 triệu người Pakistan đã tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe quan trọng, 4,5 triệu trẻ em được tiêm phòng bại liệt tại 16 huyện chịu ảnh hưởng của lũ lụt.

UNICEF hối thúc cộng đồng quốc tế nhanh chóng viện trợ nhân đạo trước khi quá muộn, đồng thời kêu gọi hỗ trợ 173,5 triệu USD cho các nỗ lực này, song mới chỉ nhận được 37% số tiền cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.